DỰ THẢO Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định

Quy định này quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ; trình tự xây dựng, thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và hậu kiểm hỗ trợ ngoài các quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Số ký hiệu /2021/SCT
Bắt đầu lấy ý kiến Không giới hạn
Kết thúc lấy ý kiến 31/12/2021
Trạng thái Chưa thông qua
Thể loại Khác
Lĩnh vực Khác
Cơ quan ban hành Khác
Người ký Khác

Nội dung

QUY ĐỊNH

Chínhsách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định

(Ban hành kèm theo Quyết định số:        /20  /QĐ-UBND ngày         tháng      năm 20  của UBND tỉnh Bình Định)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ; trình tự xây dựng, thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và hậu kiểm hỗ trợ ngoài các quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức và cá nhân (sau đây viết tắt là nhà đầu tư) thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của tỉnh được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 3.Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

2. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

3. Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của tỉnh (sau đây viết tắt là Danh mục ưu tiên) là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này, được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ.    

4. Hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợbao gồm: Hoạt động trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức,cá nhân về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng dịch vụ phục vụ công nghiệp hỗ trợ.   

5. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ(sau đây viết tắt là Chương trình hỗ trợ) là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động xúc tiến, trợ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợnhằm mục tiêu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.  

6. Dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là dự án được thực hiện lần đầu hoặc hoạt động độc lập với các dự án hiện có.

7. Dự án đầu tư mở rộng là dự án đang sản xuất và được mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

8. Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Điều 4. Nguyên tắc hỗ trợ

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các nội dung tại Quy định này theo nguyên tắc:

1. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình được Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Sở Công Thương.

2. Hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thực hiện Chương trình hỗ trợ sau đầu tư.

3. Các nhà đầu tưtham gia thực hiện Chương trình hỗ trợ chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn để kết hợp với phần ngân sách hỗ trợ để đảm bảo thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu quả.

Điều 5. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động

Ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí cho các hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định theo đối tượng quy định tại Điều 2 Quy định này. Phần còn lại là kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện tốt mục tiêu của phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Điều 6. Quản lý kinh phí hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ

1. Cơ quan quản lý Chương trình hỗ trợ (Sở Công Thương) được bố trí tối đa 2% kinh phí hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ và nằm trong dự toán do Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm để tổ chức thẩm định, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu; chi phí làm thêm giờ theo chế độ quy định; văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước; chi công tác phí, xăng dầu, thuê xe đi kiểm tra và thuê chuyên gia (nếu có).

2. Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cho Chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợcủa tỉnh tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Sở Công Thương gửi Sở Tài chính cân đối, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật.

3. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương là đơn vị trực tiếp quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí thuộc Chương trình hỗ trợ.

 

 

CHƯƠNG II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

 

 

Điều 7. Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển

Nhà đầu tư có dự án đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên được hỗ trợ như sau:  

1. Được hỗ trợ chi phí đầu tư nghiên cứu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến thay thế công nghệ nhập khẩu hoặc công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao so với công nghệ đang thực hiện. Mức hỗ trợ tối đa đến 30% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án, bao gồm các chi phí: mua máy móc thiết bị, hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc nghiên cứu công nghệ.

2. Được hỗ trợ chi phí thực hiện dự án đầu tư sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án, bao gồm các chi phí: đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu, mua tài liệu kỹ thuật, tiêu thụ năng lượng, thuê nhân công, kiểm định chất lượng sản phẩm.

Điều 8. Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao

1. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên được hỗ trợ như sau:

a) Các dự án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng trong việc chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án. Trường hợp dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí nhưng không quá 450 triệu đồng/dự án.

b) Được hỗ trợ chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên, mức hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí nhưng không quá 100 triệu đồng/dự án, bao gồm các chi phí: nguyên vật liệu, tài liệu kỹ thuật, tiêu thụ năng lượng, thuê nhân công, kiểm định chất lượng sản phẩm. 

2. Được hỗ trợ chi phí giám định công nghệ chuyển giao, mức hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí nhưng không quá 40 triệu đồng/dự án.  

Điều 9. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

Doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực như sau: Được hỗ trợ một lần chi phí cho doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động học nghề ngắn hạn có thời gian đào tạo dưới 03 tháng với mức hỗ trợ tối đa đến 80% chi phí nhưng không quá 2,5 triệu đồng/người/khóa học.

Điều 10. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường

 Doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợthuộc Danh mục ưu tiên phát triển được hỗ trợ như sau:  

1. Được hỗ trợ tham gia hội trợ, triển lãm trong nước (trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh), nước ngoài với mức hỗ trợ theo quy định tại Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định.

2. Được hỗ trợ xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp) trong nước với mức hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí nhưng không quá 35 triệu đồng/văn bằng và không quá 02 văn bằng/doanh nghiệp/năm; Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp quốc tế với mức hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí nhưng không quá 50 triệu đồng/văn bằng và không quá 01 văn bằng/doanh nghiệp/năm.

 

CHƯƠNG III

TRÌNH TỰ XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT

CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ VÀ HẬU KIỂM

 

Điều 11. Điều kiện hỗ trợ

1. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phù hợp với Danh mục ưu tiên quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này.

2. Phù hợp với các nội dung hoạt động hỗ trợ quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10, Chương II của Quy định này.  

3. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu nhà đầu tư đã được hỗ trợ theo các quy định khác của Ủy ban nhân dân tỉnh thì không được hỗ trợ theo quy định này.

Điều 12. Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ

1. Thành phần hồ sơ quy định chung cho các nội dung đề nghị hỗ trợ:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí.

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

c) Văn bản cam kết chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với nội dung đề nghị hỗ trợ.

d) Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc xác nhận hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Tùy vào từng nội dung đề nghị hỗ trợ cụ thể, nhà đầu tư bổ sung thành phần hồ sơ như sau:

a) Trường hợp đề nghị hỗ trợ nghiên cứu và phát triển quy định tại Khoản 1, Điều 7 Quy định này:

- Báo cáo dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ theo quy định hiện hành của pháp luật về khoa học và công nghệ; Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền (bản sao);

- Báo cáo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của công nghệ đã được nghiên cứu và phát triển;

- Các hợp đồng, hóa đơn chứng từ liên quan (bản sao);

- Các hồ sơ liên quan về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm (bản sao, nếu có).

b) Trường hợp đề nghị hỗ trợ sản xuất thử nghiệm quy định tại Khoản 2, Điều 7 Quy định này:

- Báo cáo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của dự án sản xuất thử nghiệm; mẫu sản phẩm hoặc hình ảnh sản phẩm sản xuất thử nghiệm;  

- Các hợp đồng, hóa đơn chứng từ liên quan (bản sao);

- Các hồ sơ liên quan về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm (bản sao, nếu có).

c) Trường hợp đề nghị hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Quy định này:

- Báo cáo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật sau khi đầu tư chuyển giao, đổi mới, cải tiến công nghệ;

- Hợp đồng chuyển giao, đổi mới, cải tiến công nghệ, mua thiết bị công nghệ và các hóa đơn, chứng từ liên quan (bản sao); hình ảnh thiết bị công nghệ (nếu có).

d) Trường hợp đề nghị hỗ trợ chế tạo thử nghiệm quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 8 Quy định này:

- Báo cáo hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của dự án chế tạo thử nghiệm; mẫu sản phẩm hoặc hình ảnh sản phẩm chế tạo thử nghiệm;

- Các hợp đồng, hóa đơn chứng từ liên quan (bản sao);

- Các hồ sơ liên quan về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm (bản sao, nếu có).

đ) Trường hợp đề nghị hỗ trợ giám định công nghệ chuyển giao quy định tại Khoản 2, Điều 8 Quy định này:

- Báo cáo dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợthuộc Danh mục ưu tiên;

- Văn bản giám định công nghệ chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền (bản sao); 

- Các hợp đồng, hóa đơn chứng từ liên quan (bản sao);

- Các hồ sơ liên quan về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm (bản sao, nếu có).

e) Trường hợp đề nghị hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực quy định tại Điều 9 Quy định này:

- Quyết định cấp giấy chứng nhận; Danh sách học viên được cấp giấy chứng nhận (có chữ ký của học viên);

- Hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên đối với lao động sau khi được đào tạo (bản sao);

- Hóa đơn chứng từ thanh toán chi tổ chức đào tạo và danh sách ký nhận tiền ăn, tiền đi lại của học viên (nếu có).

g) Trường hợp đề nghị hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường quy định tại Điều 10 Quy định này:

 - Hợp đồng thuê gian hàng giữa nhà đầu tư và đơn vị sự kiện tổ chức hội chợ (trong đó phải ghi rõ vị trí gian hàng, số lượng gian hàng, giá thuê gian hàng và mức kinh phí được hỗ trợ);

- Hóa đơn tài chính của đơn vị sự kiện tổ chức hội chợ, triển lãm thu tiền thuê gian hàng của nhà đầu tư, các chứng từ liên quan đến nội dung đề nghị hỗ trợ (bản sao).

- Giấy chứng nhận xác lập quyền sở hữu công nghiệp (bản sao, nếu có).

Điều 13. Tiếp nhận, đánh giá, thẩm định

1. Tiếp nhận, đánh giá nội dung hỗ trợ:

a) Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 7 hàng năm của năm trước năm kế hoạch;

b) Sở Công Thương căn cứ các nội dung đề nghị hỗ trợ và các quy định tại Quy định này, đánh giá sơ bộ, tổng hợp nội dung đề nghị hỗ trợ gửi Hội đồng thẩm định.

c) Thời hạn giải quyết:

- Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ theo quy định; Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và không hợp lệ, Sở Công Thương thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ và nộp Sở Công Thương trước thời hạn quy định tại Điểm a, Khoản 1 của Điều này.

- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định, đánh giá nội dung các hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trường hợp cần thiết sẽ kiểm tra thực tế tại cơ sở.

- Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo nhà đầu tư về kết quả thẩm định.  

2. Thành phần, nhiệm vụ và nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định:

Hội đồng thẩm định (Hội đồng) do Giám đốc Sở Công Thương quyết định thành lập. Sở Công Thương là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng sử dụng con dấu của Sở Công Thương trong thời gian thực hiện nhiệm vụ và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

a) Thành phần Hội đồng:

Hội đồng thẩm định gồm các thành viên sau:

- Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Sở Công Thương;

- Các Ủy viên Hội đồng: Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với nội dung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Định, các tổ chức, chuyên gia khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh (khi cần thiết) và đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị liên quan thuộc Sở Công Thương.

b) Nhiệm vụ của Hội đồng:

- Xem xét, đánh giá hiệu quả kinh tế theo nội dung quy định tại Khoản 3 Điều này.

- Căn cứ kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư, Hội đồng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ và đề xuất mức hỗ trợ theo Quy định này.

c) Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:

- Dân chủ, công khai và minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

- Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và theo nguyên tắc đa số thông qua dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng. Cuộc họp của Hội đồng được tổ chức khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự.

3. Nội dung thẩm định:

a) Mức độ phù hợp của dự án đối với các điều kiện hỗ trợ được quy định tại Điều 11 của Quy định này.

b) Mục tiêu, sự cần thiết và hiệu quả của dự án; tính hợp lý về sử dụng kinh phí, nguồn lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật khác.

c) Năng lực của nhà đầu tư thực hiện dự án.

d) Sự phù hợp và đầy đủ của hồ sơ, tài liệu của dự án.

đ) Khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường của dự án.

Điều 14. Xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ

1. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Hội đồng tổng hợp trình Giám đốc Sở Công Thương để xem xét xác định Chương trình hỗ trợ và đưa vào dự toán kinh phí hàng năm của Sở Công Thương đảm bảo thời gian quy định.

2. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và Sở Tài chính thông báo dự toán chi ngân sách (trong đó có nội dung chi cho Chương trình hỗ trợ), Giám đốc Sở Công Thương tiến hành rà soát để phân bổ kinh phí được hỗ trợ nguyên tắc tổng kinh phí hỗ trợ để thực hiện các dự án của Chương trình hỗ trợ không vượt quá dự toán được phê duyệt. Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ, hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh gồm:

- Tờ trình của Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ kèm theo Biên bản thẩm định của Hội đồng.

- Dự thảo quyết định phê duyệt Chương trình, kèm biểu tổng hợp chi tiết các dự án.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và thanh quyết toán các khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Hậu kiểm và thu hồi hỗ trợ

1. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các dự án được hưởng hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các trường hợp sai phạm, các vấn đề vướng mắc liên quan.

2. Nội dung kiểm tra: Hồ sơ pháp lý; cơ sở vật chất; sản phẩm của dự án được hưởng hỗ trợ; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh.  

3. Các trường hợp bị thu hồi hỗ trợ:

a) Khai báo không trung thực và sử dụng các chính sách hỗ trợ không đúng mục đích;

b) Trong quá trình sản xuất có sự thay đổi về sản phẩm đang được hưởng hỗ trợ mà nhà đầu tư không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền;

c) Các sai phạm khác theo kiến nghị của đoàn kiểm tra.

4. Nhà đầu tư sai phạm có trách nhiệm hoàn trả các hỗ trợ đã được hưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi sai phạm.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về thủ tục, hồ sơ để tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợhàng năm. Chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt mức kinh phí hỗ trợ.

b) Rà soát, cập nhật Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợưu tiên phát triển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các dự án, việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề có liên quan đến quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ.

d) Tổ chức thực hiện việc xác nhận ưu đãi, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về thủ tục, hồ sơ để tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợquốc gia và định kỳ hàng năm báo cáo tổng hợp các dự án được xác nhận ưu đãi gửi Bộ Công Thương theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợưu tiên phát triển được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ.

đ) Quản lý, theo dõi và tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợtrên địa bàn tỉnh gửi Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan theo quy định.

2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến về hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, vận động doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Điều 17. Trách nhiệm của nhà đầu tư

1. Lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định, đảm bảo và chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác, trung thực và đầy đủ các thông tin trong hồ sơ, tài liệu đã cung cấp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng Chương trình hỗ trợ. Quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích và thực hiện thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đúng quy định.

2. Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, trong thời gian ba năm tiếp theo, nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hàng năm gửi Sở Công Thương về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợđược hưởng hỗ trợ. Nội dung báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gồm: Vốn đầu tư thực hiện; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; thông tin về lao động, doanh thu, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách và các chỉ tiêu chuyên ngành khác.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

 

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Quốc Dũng

 

Phụ lục

DANH MỤC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

(Kèm theo Quyết định số         /2016/QĐ-UBND

Ngày       tháng     năm 2016 của UBND tỉnh Bình Định)

 

          I. NGÀNH CHẾ BIẾN GỖ:

          - Sản xuất ván dăm, ván lạng, ván ép, ván ghép thanh, ván MDF.

          - Phụ kiện ngành gỗ: Chốt gỗ, tay nắm, bản lề, ray trượt, đinh, ốc, vít, pát, nút hít gỗ, cục hít tủ, trục cao su, bu lông, đinh tán, long đền.

          - Hóa chất, chất phụ trợ phục vụ trong ngành chế biến gỗ: Sơn, tinh màu, dầu bóng.

II. NGÀNH CHẾ BIẾN ĐÁ:

          - Sản xuất bột thép - đầu mài cho máy đánh bóng thành phẩm.

          - Hóa chất, chất hỗ trợ phục vụ trong ngành chế biến đá: Sơn đá granite, keo dán.

III. NGÀNH CHẾ BIẾN THỨC ĂN CHĂN NUÔI:

          - Chế biến nhóm đạm: Bột cá, bột thịt.

          - Chế biến nhóm vi lượng: Vitamin, khoáng chất, chất tạo màu, mùi.

IV. NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO:

          - Linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị chế biến đá.

          - Kết cấu, chi tiết xây lắp trụ tuabin điện gió.

V. CÁC NGÀNH KHÁC:

Nếu nhà đầu tư thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định ngoài Danh mục ưu tiênnêu trên, Hội đồng thẩm định xem xét sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thẩm định hồ sơ và đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ.

 File đính kèm

  Ý kiến bạn đọc

Các văn bản cùng thể loại "Khác"

Số ký hiệu
Thời hạn nhận góp ý
Trích yếu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay1,270
  • Tháng hiện tại61,954
  • Tổng lượt truy cập2,987,156
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây