1. Vị trí địa lý
Bình Định là tỉnh ở phía Nam của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trung tâm trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, tuyến trục Bắc Nam và Đông Tây của miền Trung và của cả 4 tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, đường hàng không nội địa và đường biển. Bình Định gần đường hàng hải quốc tế, là của ngõ ra biển gần và thuận lợi của Tây nguyên, các nước trong Tiểu khu vực Mê Kông mở rộng, đặc biệt là với các nước Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông qua cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19. Bình Định có diện tích tự nhiên là 6.050 km2 gồm 09 huyện, 01 thị xã và TP. Quy Nhơn là đô thị loại I.
2. Về giao thông
- Đường bộ: Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh dài 118 km; Quốc lộ 1D dài khoảng 20 km nối liền 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên; Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh dài 69,5 km, nối liền cảng Quy Nhơn đến các tỉnh Tây nguyên và Nam Lào, Đông bắc Campuchia, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu kinh tế với bên ngoài, hiện đang mở các tuyến 19B, C.
- Đường sắt: Đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh với chiều dài 148,6 km, trong đó có ga Diêu Trì là một trong sáu ga đường sắt lớn nhất của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách.
- Đường hàng không: Sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn 29 km, hiện đang được khai thác tuyến nội địa Quy Nhơn - Hà Nội và Quy Nhơn - TP. Hồ Chí Minh, có hệ thống đèn tín hiệu bay đêm đã tạo điều kiện nâng cao năng lực vận chuyển của Cảng hàng không. Hiện đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát.
- Giao thông thủy: Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km với nhiều đảo, vũng, vịnh và các cửa biển lớn. Bình Định có hệ thống cảng nước sâu lớn, một trong những tỉnh có thế mạnh về cảng biển với các cảng như: Cảng Quy Nhơn, Tân Cảng, Cảng Tam Quan, Cảng Thị Nại và Cảng Đề Gi. Trong đó, Cảng Quy Nhơn được biết đến như một cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, có thể đón tàu có tải trong 2-3 vạn tấn cập bến.
3. Nguồn nhân lực
Bình Định có hơn 1,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ dưới 30 tuổi chiếm 62,8%, hơn một nữa trong số đó đang trong độ tuổi lao động, lực lượng lao động tương ứng khoảng 913 nghìn người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 02 trường Đại học, 05 trường cao đẳng cùng các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề… đáp ứng tốt hơn về nhu cầu học tập và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đặc biệt có Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) do các nhà khoa học Cộng hoà Pháp sáng lập.
4. Nguồn lực của tỉnh Bình Định
4.1. Tiềm năng khoáng sản
Bình Định là tỉnh có tiềm năng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng với 222 mỏ, điểm mỏ, cụ thể:
- Đá xây dựng: 122 điểm mỏ; tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 7.088,33 triệu m3, phân bố đều trên địa bàn toàn tỉnh với đầy đủ các loại có nguồn gốc từ magma, biến chất, phun trào.
- Đất san lấp, đá ong laterit: 55 điểm mỏ; tổng tài nguyên khoảng 155 triệu m3, trong đó có 11 mỏ đá ong laterit.
- Sét gạch ngói: 18 điểm mỏ phân bổ trong các thềm sông; tài nguyên ước lượng khoảng 54 triệu m3.
- Cát xây dựng: 27 mỏ phân bố trên 4 sông lớn; tài nguyên ước lượng khoảng 35 triệu m3.
Bên cạnh đó là nhóm mỏ kim loại và kim loại quý (sắt, sa khoáng titan, bauxit, chì, kẽm, đồng, Wolfram, Molibden, thiếc sa khoáng, vàng…); nhóm mỏ khoáng chất công nghiệp (fenspat, kaolin, cát thủy tinh, graphit, fluorit, puzolan, than bùn, silimanit…) và nhóm mỏ nước khoáng, nước nóng với 05 điểm nước khoáng, nước nóng thuộc khu vực huyện Phù Cát, huyện Vĩnh Thạnh và thành phố Quy Nhơn.
4.2. Tiềm năng Kinh tế Biển
- Bình Định có Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là một trong 10 Cảng lớn nhất Việt Nam và Cảng nội địa Thị Nại, trong đó cảng biển quốc tế Quy Nhơn có khả năng đón tàu tải trọng từ 2-3 vạn tấn, cỡ tàu lớn nhất tiếp nhận được đến 30.000 DWT với tần suất bình thường và 50.000 DWT với tần suất giảm tải.
- Bình Định là tỉnh có tiềm năng về kinh tế biển; với chiều dài bờ biển 134km; vùng lãnh hải 2.500 km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000 km2; có các cảng cá Nhơn Châu, Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi và khu trú đậu tàu thuyền Tam Quan. Trong các cảng cá nêu trên có cảng cá Nhơn Châu là tốt nhất, có nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao như, tổng số tàu thuyền các loại là 6.256 chiếc, sản lượng hải sản khai thác hàng năm khoảng 25.000-33.000 tấn (chưa kể sản lượng khai thác xa bờ).
- Tổng diện tích mặt nước khoảng 10.920 ha (không kể 67.000 ha mặt biển). Trong đó, đầm Thị Nại 5.060 ha, đầm Đề Gi 1.600 ha, vùng cửa sông Tam Quan 300ha và một số ao hồ nước ngọt... là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện đã có 2.648 ha mặt nước nuôi tôm.
4.3. Tài nguyên rừng
Diện tích rừng hiện có trên 207.370 ha. Trong đó rừng tự nhiên là 154.390 ha, rừng trồng là 52.980 ha (rừng sản xuất là 34.624 ha); những năm gần đây đã khai thác khoảng từ 6.000 - 8.000 m3 gỗ (góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong tỉnh khoảng 200.000 m3). Ngoài ra, dưới tán rừng còn có song mây, lá nón, bời lời, các loại lâm sản khác... là nguồn nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng... Ngoài ra, đất đồi núi chưa sử dụng trên 205.200 ha, có thể phát triển trồng rừng nguyên liệu hoặc trồng cây công nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản.
5. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
5.1.Công nghiệp chế biến gỗ và Lâm sản
Bình Định là một trong bốn tỉnh của cả nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển. Mặt hàng gỗ ngoài trời và gỗ nội thất xuất khẩu là thế mạnh và có khả năng phát triển về quy mô cũng như thị trường. Hiện nay, có khoảng 188 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ và lâm sản hầu hết là xuất khẩu với năng lực sản xuất hàng năm khoảng 300.000 m3 gỗ tinh chế và gần 1,1 triệu tấn dăm gỗ khô. Sản phẩm đồ gỗ chủ yếu xuất khẩu, thị trường chính là EU (chiếm trên 75% KNXK), Bắc Mỹ (5%) và châu Á (5%) cho hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phần lớn doanh nghiệp Bình Định đều tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biếngỗ tiên tiến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008; thực hiện quy trình quản lý Chuỗi hành trình CoC-FSC và các chứng chỉ khác để sản xuất đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu sang gần nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường chính là EU, Mỹ… yêu cầu chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh và thiết kế mẫu mã đa dạng phong phú.
5.2.Công nghiệp chế biến Thủy sản.
Bình Định có chiều dài bờ biển trên 134 km, ngư trường đánh bắt hải sản xa bờ kéo dài từ Hoàng Sa đến Trường Sa, đây là ngư trường cá nổi lớn, cá di cư như cá thu, cá ngừ, cá chuồn, các loài mực (mực ống, mực đại dương)…. có giá trị kinh tế cao được thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Số lượng tàu khai thác nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông khoảng 7.339 tàu cá các loại với tổng công suất 980.838 CV. Hiện nay, có 4 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu đang hoạt động với tổng công suất 9.700 tấn/năm và có khoảng 340 cơ sở chế biến kinh doanh thủy sản nội địa theo phương thức truyền thống tập trung tại các huyện en biển (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn).
5.3. Công nghiệp dệt may.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành may mặc ở Bình Định đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, từng bước góp phần tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 71 doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may, trong đó 47 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm may mặc. Các doanh nghiệp may chủ yếu tập trung ở thành phố Quy Nhơn và một số huyện, thị xã như An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn. Trong đó có Tổng Công ty CP May Nhà Bè là doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy may công nghiệp nhất của tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
5.4. Công nghiệp chế biến Thức ăn chăn nuôi(TĂCN)
Thời gian qua ngành công nghiệp chế biến TĂCN đã có bước phát triển mang tính đột phá, tốc độ tăng trưởng của ngành bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt đến 75%/năm. Hiện nay, có 14 DN đầu tư 14 nhà máy sản xuất TĂCNvới tổng công suất thiết kế đạt trên 2,95 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.450 tỷ đồng (trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 2.000 tỷ đồng), tổng diện tích xây dựng các nhà máy96 ha, trong đó có 11 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất đạt gần 2 triệu tấn sản phẩm/năm, tăng gấp 8 lần so năm 2010 (245.000 tấn sản phẩm/năm); tổng diện tích xây dựng nhà máy đạt 81 ha với tổng vốn đầu tư 2.740 tỷ đồng; đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.550 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/ người/ tháng.