Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra tuyên cáo về nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia do ông Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng.
Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958 Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960 Bộ Công nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng tách thành các Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than và Tổng cục Hóa chất. Năm 1981, Bộ Điện và Than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với một bộ phận của Ủy ban hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Căm pu chia thành Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1990 Bộ Công nghiệp nặng được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Mỏ và Địa chất, Tổng cục Hoá chất, Tổng cục Dầu khí, Tổng cục Điện tử và Tin học. Năm 1990 Bộ Thương nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội Thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại và năm 1991 đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Đến năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng.
Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay.
Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam”. Như vậy đến nay, Ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 60 năm hình thành và phát triển.
Trải qua 60 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức và lao động Ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”..., cán bộ, công nhân viên và người lao động Ngành Công Thương Việt Nam vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất; hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì thống nhất Tổ quốc”, các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu của chiến trường; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “Nội trợ của xã hội”, xây dựng mạng lưới dịch vụ quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hậu phương ra tiền tuyến, đưa hàng phục vụ đến từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều đồng chí cán bộ, công nhân viên của Ngành đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại, thống nhất đất nước.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và UB kháng chiến tỉnh Bình Định, tháng 6/1951 Chi Sở mậu dịch Bình Định được thành lập. Thương nghiệp mậu dịch Bình Định lúc bấy giờ cùng với các ngành khác “xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc về các mặt nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp..., chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, động viên nhân tài vật lực, phục vụ kháng chiến” cùng với quân dân và các Chi Sở Thương nghiệp mậu dịch Liên khu V(Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định) xây dựng vùng tự do, Ở Quy Nhơn: Nhà đèn, Lục Lộ (công chánh) các grages tư nhân đều có tổ bí mật làm vũ khí sửa súng làm gươm giáo cho tự vệ chiến đấu của Việt Minh, tiếp đó ra đời Xưởng Hoàng Hoa Thám với 400 CBCNV, xưởng Quang Trung ở vùng căn cứ An Lão với 300 CBCNV nhiệm vụ các xưởng SXCN: đúc, rèn, nguội, tiện, điện, hóa chấc, mộc,…các xưởng thuộc quân giới QK5, dưới sự hướng dẫn kỷ thuật của Quân giới TW, Liên khu 5, các xưởng Bình Định từng bước sản xuất nhiều loại vũ khí: lựu đạn chày, mìn, thủ pháo, bộc phá, bazoca, cối 81, súng phóng lựu đạn,…. góp phần cùng với quân và dân cả nước lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt ách thống trị của Chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành Cách mạng XHCN, miền Nam tập trung cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn mới, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là một trong những tỉnh bị địch đánh phá vô cùng ác liệt, nhiều chiến lược của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai được chúng áp dụng tại chiến trường Bình Định hòng tiêu diệt cách mạng miền Nam. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Định, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, cùng với phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam, quân và dân Bình Định đã đứng lên khởi nghĩa giành quyền làm chủ tại nhiều địa phương. Trong suốt hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ, ngành Công Thương Bình Định không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh và bằng ý chí và nghị lực phi thường, nhiều cán bộ chiến sỹ ngành Công Thương đã vượt qua mưa bom, bão đạn, người trước ngã, người sau tiến lên với tinh thần “tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, quyết không để cho tiền tuyến thiếu lương thực, nhu yếu phẩm, sản xuất và sửa chữa quân trang, quân dụng, phương tiện vận tải, phục vụ cho bộ đội chiến đấu; đồng thời bảo đảm phục vụ hậu phương-đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân vùng giải phóng. Trong cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu ấy, ngành Công Thương Bình Định đã có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần xứng đáng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, hòa chung với ngành Công Thương cả nước, ngành Công Thương Bình Định đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới: tiếp quản các cơ sở công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, xây dựng các công xưởng, nhà máy SXCN; tổ chức hệ thống thương nghiệp, làm người nội trợ đắc lực phục vụ cho sự nghiệp khôi phục, phát triển kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Bình Định.
Từ bước khởi đầu công thương nghiệp còn non trẻ, đến nay ngành Công Thương của tỉnh đã trải qua 60 năm nổ lực và không ngừng phấn đấu vươn lên đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ khi chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, ngành Công Thương Bình Định ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tích cực quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hơn 20 năm đổi mới bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội lần thứ VI (1986) của Đảng, ngành Công Thương Bình Định đã có những bước chuyển biến quan trọng và đạt những kết quả tương đối toàn diện, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp, thu hút được nhiều nhà đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu và mở rộng thị trường ra các nước trên thế giới; Hoạt động thương mại và dịch vụ không ngừng được phát triển, mạng lưới phân phối ngày càng được nâng cấp và mở rộng, tạo kênh lưu thông hàng hoá từ miền núi đến hải đảo, hàng hóa lưu thông thông suốt, nhiều mô hình phân phối văn minh, hiện đại được triển khai phục vụ người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng luôn được quan tâm thực hiện.
Có thể đánh giá sau 25 năm Đổi mới: thời kỳ 1986-1995, ngành Công Thương tỉnh đã quán triệt và thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, vận động các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp-thương mại, từng bước thích nghi với cơ chế quản lý mới. SXCN nhiều năm liền tăng trưởng khá, bình quân tăng 9,3%/năm; tỉ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh từ 10,1% (năm 1985) tăng lên 15% (năm 1995); hoạt động thương mại chuyển sang cơ chế thị trường, kết hợp với thị trường ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thời kỳ 1996-2005, ngành Công Thương tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông –lâm-thủy hải sản, công nghiệp khai khoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng các ngành có tiềm năng, lợi thế. Năm 1998, Khu công nghiệp Phú Tài được xây dựng, thu hút 40 doanh nghiệp đầu tư và đi vào sản xuất, tạo ra giá trị chiếm gần 30% tổng giá trị SXCN toàn tỉnh… Theo thống kê, chỉ trong vòng 10 năm (1996-2005), giá trị SXCN của tỉnh tăng trưởng bình quân đạt 21,2%/năm, góp phần nâng tỉ trọng công nghiệp – xây dựng trong GDP từ 15% (1995) lên 28,6% (2005); giá trị KNXK 5 năm 2001-2005 đạt gần 753 triệu USD, tăng bình quân 17,2%./năm, gấp 2,4 lần so với giai đoạn 1996-2000.
Trong gia đoạn hội nhập (2006-2010), ngành Công Thương tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển, đến nay, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển 7 KCN, 38 Cụm công nghiệp, với 905 doanh nghiệp và gần 21 nghìn cơ sở SXCN. Đến năm 2010, giá trị SXCN toàn tỉnh đạt 6.545 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2009, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2005; bình quân 5 năm 2006-2010 tăng 16%/năm. Cũng trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh có 120 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động xuất khẩu, tổng KNXK 5năm đạt 1.763 triệu USD, vượt 17,5% so với mục tiêu đề ra (NQ là 1.500 triệu USD) và tăng gấp 2,4 lần so với tổng KNXK 5 năm (2001-2005); tăng bình quân hàng năm gần 15%. Thị trường xuất khẩu được mở rộng từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ (năm 2000) lên 72 quốc gia, vùng lãnh thổ (năm 2010). Trong 5 năm (2006-2010), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 77.585 tỉ đồng, tăng gần 189% so với giai đoạn 2001-2005; bình quân 5 năm tăng 23,3%/năm.
Công tác quản lý Nhà nước về Công Thương cũng đạt được nhiều thành quả tích cực, Sở Công Thương đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập các Quy hoạch phát triển công nghiệp, Quy hoạch công nghiệp khoáng sản, Quy hoạch phát triển Điện lực, Quy hoạch tổng thể các cụm công nghiệp, Quy hoạch phát triển Thương mại Bình Định đến năm 2010, và định hướng đến năm 2020; Xây dựng đề án phát triển hàng xuất khẩu giai đoạn 2001 – 2010 và 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020 làm cơ sở định hướng và tổ chức thực hiện; ban hành và điều chỉnh, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu cụm công nghiệp; chính sách xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, v.v.v.
Công tác cải cách hành chính đã được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc chú trọng cải cách về thể chế, Sở đã tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, giảm quan liêu, phiền hà tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động đầu tư và SX-KD; đã được nhiều doanh nghiệp và địa phương đồng tình ủng hộ; tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương; đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Sở đã thực hiện quản lý công việc theo tiêu chuẩn ISO 9000:2008, gắn với hiện đại hóa công sở, v.v… giúp cán bộ công chức nâng cao chất lượng và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình; đã áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành nội bộ Sở thông qua mạng LAN và lập trang website của Sở hoạt động trên 24/24 đã kịp thời cập nhật, cung cấp các thông tin cần thiết cho tổ chức doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu thông tin về Pháp luật, các Qui định chuyên ngành, các Quy hoạch, các dự án đầu tư, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, các thị trường mới, các rào cản kỷ thuật, các Qui định về hội nhập kinh tế quốc tế; ngoài ra, trang website còn có chuyên mục hỏi đáp và kịp thời trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Quản lý nhà nước ngành, giúp cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp,cá nhân nhận biết qua từng ngày để vận dụng vào hoạt động SX-KD-XNK… Đã áp dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xây dựng và khai trương đưa vào sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử về đồ gỗ, đây là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ giao lưu mua-bán nguyên liệu, sản phẩm trong và ngoài nước thông qua sàn một cách tiện lợi.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua; ngành Công Thương Bình Định đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ ngành, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ được tặng thưởng Huân, Huy chương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; nhiều tập thể, cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua XHCN, chiến sĩ thi đua xuất sắc; đặc biệt trong những năm đổi mới ngành Công Thương Bình Định được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý; cùng nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công Thương, UBND tỉnh… Thật vinh dự và tự hào, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam, được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất; Hôm nay ngành Công Thương Bình Định vinh dư đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng ba, ghi nhận thành tích xuất sắc của ngành trong 60 năm qua. Được phần thưởng cao quý này, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành Công Thương Bình Định nguyện ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của các thế hệ cán bộ tiền nhiệm ngành Công Thương đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.