Công Thương Bình Định đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách của Ngành

Thứ sáu - 10/01/2025 14:33 117 0
Trong năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen... đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, ngành Công Thương đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan; tập trung công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai các phương án, biện pháp, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, kiểm soát thị trường góp phần bình ổn thị trường, nhất là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách của Ngành, cụ thể:
Công Thương Bình Định đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách của Ngành

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, bám sát mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, xây dựng đề án và kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện đề án khuyến công đảm bảo chất lượng và tiến độ; ưu tiên các hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; tổ chức nghiệm thu và thực hiện giải ngân kinh phí kịp thời, tạo điều kiện các cơ sở được hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ, tạo thêm giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập lao động nông thôn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thực hiện 60 đề án khuyến công với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ 5.698 triệu đồng; trong đó kinh phí khuyến công cấp tỉnh thực hiện 4.818 triệu đồng/40 đề án; kinh phí khuyến công cấp huyện thực hiện 880 triệu đồng/20 đề án. Riêng cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hoặc sản phẩm OCOP đã hỗ trợ 20 đề án của 18 cơ sở với tổng kinh phí 1.594,5 triệu đồng cho các nội dung ứng dụng máy móc thiết bị tiên trong sản xuất; thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; đầu tư phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, thông qua chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024 từ nguồn kinh phí khuyến công, đã tổ chức bình chọn và công nhận 60 sản phẩm của 11 huyện, thị xã, thành phố đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (trong đó, có 26 sản phẩm OCOP ba sao, 11 sản phẩm OCOP 4 sao và 01 sản phẩm tiềm năng năm sao). Mỗi sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được chi thưởng 2,45 triệu đồng. Đồng thời, Sở Công Thương đã tham mưu Hội đồng bình chọn cấp tỉnh tiến hành rà soát, đăng ký 40 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2024. Kết quả, tỉnh Bình Định có 21 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực (tăng 06 sản phẩm so với kỳ bình chọn năm 2022, trong đó, có 06 sản phẩm OCOP ba sao, 05 sản phẩm OCOP 4 sao và 01 sản phẩm tiềm năng năm sao). Mỗi sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực được chi thưởng 4,0 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực (kế tiếp là thành phố Hà Nội và tỉnh Kiên Giang đều có 19 sản phẩm). Qua đó, các sản phẩm được tôn vinh và có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
2. Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh năm 2024 với kinh phí 01 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, Sở Công Thương đã triển khai Chương trình hỗ trợ đến các cơ quan, đơn vị liên quan, các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp tuyên truyền, phổ biến về các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị tại các buổi hội nghị, hội thảo, các đợt làm việc với các doanh nghiệp ngành Công Thương; nhất là thông qua các đơn vị tổ chức Hội chợ, triển lãm trong nước như Công ty CP Hội Chợ Ngành Gỗ Việt Nam, Công ty CP Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh, Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Việt Nam để rà soát doanh nghiệp tham gia và hướng dẫn thủ tục hồ sơ thụ hưởng chính sách.
Kết quả, năm 2024 đã hỗ trợ 12 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 480 triệu đồng tham gia các Hội chợ, triển lãm trong nước và đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử; kinh phí hỗ trợ tăng 6,5 lần và tăng 01 nội dung hỗ trợ so với năm 2023. Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn trong tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tăng cường hiệu quả kinh doanh; mở rộng kênh phân phối thông qua sàn thương mại điện tử, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến đồ gỗ.
3. Thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định, Sở Công Thương triển khai hỗ trợ chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm Sơn PU phục vụ ngành chế biến gỗ tại Công ty TNHH Sơn EXO Việt Nam với kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng theo Chương trình hỗ trợ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh năm 2024. Qua đó, đã giúp doanh nghiệp chế tạo thử nghiệm thành công sản phẩm Sơn PU phục vụ ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
4. Trong năm 2024, chính sách xúc tiến thương mại của Trung ương và địa phương cũng được Sở Công Thương triển khai mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất của tỉnh Bình Định thông qua các chương trình, đề án xúc tiến thương mại cấp tỉnh, cấp quốc gia và các hoạt động lồng ghép trong tổ chức thực hiện Đề án phát triển thị trương trong nước gắn với Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử và Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó đã tổ chức thực hiện hiệu quả: 20 đề án thuộc Chương trình xúc tiến thương mại cấp tỉnh (13 đề án quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức trong tỉnh; 07 đề án quảng bá, xúc tiến thương mại tham gia ngoài tỉnh); 02 đề án thuộc nhiệm vụ triển khai Đề án phát triển thị trương trong nước gắn với Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (tổ chức 02 khu gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng tiêu biểu tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội); 04 đề án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 02 đề án thuộc nội dung phát triển thương mại điện tử cấp tỉnh và cấp quốc gia. Xác nhận các đơn vị sự kiện tổ chức 09 Hội chợ triển lãm thương mại diễn ra trong tỉnh; thông tin, vận động doanh nghiệp, cơ sở tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 11 kỳ hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu hàng hóa trong cả nước nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh, kích cầu tiêu dùng.

hanh2

Trên lĩnh vực thương mại điện tử, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp phát triển nền tảng thương mại điện tử và nền tảng địa chỉ số, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, tổng hợp đăng tải, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người dùng qua các website https://vietlao.vn, https://bandohangvietbinhdinh.vn, đăng tải danh sách các sản phẩm OCOP của tỉnh trên website của Sở Công Thương; theo đó, có 460 sản phẩm của 334 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh được quảng bá, giới thiệu tại website; trong đó, sản phẩm OCOP chiếm hơn 90%, phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các nội dung hỗ trợ từ chính sách, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực, đặc biệt là doanh nghiệp ngành gỗ; qua đó đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch công nghiệp, thương mại giao năm 2024 với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10%, cao hơn cả nước 8,3%, vượt kế hoạch đề ra tăng từ 7-7,7%, là năm tăng cao nhất giai đoạn 2020 - 2024 và có mức tăng hai con số kể từ năm 2010; tốc độ tăng công nghiệp trong GRDP đạt 12,07%, vượt kế hoạch đề ra tăng từ 9,2-9,7%, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh, đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh năm 2024 đạt 7,78% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2023, vượt 3,6% kế hoạch đề ra, góp phần tạo thặng dư thương mại xuất nhập khẩu 1,25 tỷ USD so cả nước 25 tỷ USD.
Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Với dự báo tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp; ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng... Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhất là áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất gia tăng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp; biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến sản xuât và đời sống nhân dân. Để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,6-8,5%, chỉ số SXCN tăng từ 8,5-9,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 126.600 tỷ đồng, ngành Công Thương cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau, nhất là đồng hành, triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh:
1. Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy đang hoạt động phát huy hết công suất, đóng góp tăng từ 3,0 điểm %; 80 nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2024, nhất là 12 dự án trọng điểm, đóng góp tăng từ 3,0-3,5 điểm %; 55 dự án dự kiến đi vào hoạt động năm 2025, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp mới, đóng góp tăng từ 2,5-3,0 điểm %; đồng thời, tạo điều kiện các dự án thu hút đầu tư trong năm 2024 và năm 2025, dự án có tiến độ đi vào hoạt động sau năm 2025 nhưng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thực hiện để sớm hoạt động trong năm 2025 phát huy giá trị mới, đóng góp tăng từ 0,5-1,0 điểm % chỉ số sản xuất công nghiệp.
2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành như: Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, bám sát mục tiêu giai đoạn 2021-2025 theo hướng xanh, số và tuần hoàn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh theo các nội dung quy định tại Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ; trong đó chú trọng nội dung hỗ trợ phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường.
3. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời phản ánh, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo kế hoạch; giữ mối liên hệ, thường xuyên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp: Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030; phối hợp với UBND các địa phương, các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp (ít nhất mỗi địa phương sẵn sàng từ 20-30 ha hoặc 50% diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê tại các cụm công nghiệp) và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, nhất là hệ thống giao thông nội bộ, cấp điện, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường..., tạo mặt bằng sạch có sẵn hạ tầng sẵn sàng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Khuyến khích, hỗ trợ thủ tục pháp lý, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, đáp ứng các tiêu chí cụm công nghiệp và điều kiện tiếp nhận các dự án sản xuất kinh doanh…
Với sự tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp trong năm 2025 của Ngành, cùng với sự chung sức đồng lòng phấn đấu của các doanh nghiệp, sự phối hợp của các đơn vị liên quan, đặc biệt sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh và Bộ Công Thương sẽ mang lại kết quả thành công trong việc thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định năm 2025./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây