Khơi thông nguồn lực phát triển các khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Thứ tư - 13/11/2024 15:41 104 0
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa lợi thế các khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, cần khơi thông nguồn lực, lựa chọn phương thức hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của vùng.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố(1); có diện tích tự nhiên chiếm gần 30% diện tích tự nhiên cả nước, có bờ biển dài 1.665km. Vùng là khu vực kết nối giữa vùng kinh tế phía Bắc và vùng kinh tế phía Nam. Quy mô nền kinh tế của vùng không ngừng tăng lên, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng gấp 1,98 lần so với năm 2010, đạt 677.135 tỷ đồng(2); giá trị kim ngạch xuất khẩu từ các khu kinh tế ven biển của vùng tăng lên đáng kể(3). Tuy vậy, quy mô kinh tế của vùng năm 2020 chỉ chiếm gần 18% GDP của Việt Nam (tăng gần 2.2% so với năm 2010). Do điều kiện tự nhiên, các tỉnh, thành phố trong vùng chia thành 2 vùng Đông (ven biển) và vùng Tây, kinh tế biển(4) của vùng có vai trò ngày càng quan trọng(5). Năm 2010, kinh tế biển chiếm khoảng 53% GRDP vùng, năm 2020 đạt gần 66% GRDP(6). Trong đó, các khu kinh tế ven biển đóng góp không nhỏ.
I. Thực trạng phát triển các khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
1. Mức độ sản xuất hàng hóa tập trung của khu kinh tế ven biển ngày càng rõ nét.
Thứ nhất, quy mô giá trị sản xuất (GTSX) của các khu kinh tế ven biển (KKTVB) được mở rộng, khẳng định vị trí trong nền kinh tế của vùng. Tuy nhiên, sự phát triển không đều hiện nay đang xuất hiện sự phân hóa giữa các KKTVB ở đây. Quy mô giá trị sản xuất các KKTVB tăng 3,6% từ năm 2015 đến năm 2020 (năm 2020 đạt 675.525 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ 4 KKTVB là Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) chiếm hơn 80% GTSX của cả 11 KKTVB. Đồng thời, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ các KKTVB đạt 196.101 tỷ đồng năm 2020, tăng 4,22% so với năm 2010 và chiếm hơn 29% kim ngạch xuất khẩu của vùng.
Thứ hai, quy mô, diện tích các KKTVB cho thuê sản xuất, kinh doanh tăng dần, nhưng vẫn khá thấp và có sự khác biệt tương đối lớn giữa các KKTVBĐến cuối năm 2020, tổng diện tích đã cho thuê ở các KKTVB là 168.700#ha, chiếm khoảng 36,2%, chỉ tiêu này khá thấp so với các khu công nghiệp (khoảng gần 70%). Tỷ lệ lấp đầy tại 4 KKTVB có giá trị sản xuất cao nhất, như Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đạt gần 46%, Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đạt khoảng 30%, Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) đạt gần 67% và Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) đạt 61%. Nhóm 4 KKTVB này chiếm 60% tổng diện tích lấp đầy tại các KKTVB của vùng.
Thứ ba, tổng mức đầu tư tăng nhanh, các khu KKTVB đã và đang trở thành nơi thu hút vốn đầu tư phát triển cho vùng, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên số vốn đầu tư thực hiện còn thấp, đầu tư tập trung chủ yếu vào 4 KKTVB có giá trị sản xuất caoTổng số dự án được thu hút vào các KKTVB năm 2020 là 1347 dự án, số vốn đăng ký là 1507 nghìn tỷ đồng, tăng 544 số dự án và 459.4 nghìn tỷ đồng so với năm 2015. Số dự án của khu vực có vốn FDI chiếm 19,2% năm 2010, đến năm 2020, vốn FDI chiếm hơn 54%. Song, tỷ lệ vốn thực hiện của các dự án chỉ đạt 50,6% năm 2015 và 58,8% năm 2020, riêng khu vực FDI cao hơn mức chung này. Vốn đầu tư vào các KKTVB chủ yếu tập trung vào 4 khu là Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), chiếm gần 60% số dự án, 77% số vốn đăng ký và 92% số vốn thực hiện.
Thứ tư, quy mô lao động ở các KKTVB có xu hướng tập trung cao, nhưng chưa giải quyết được nhiều nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.
Số lượng lao động ở các KKTVB năm 2020 đạt hơn 141.5 nghìn người, tăng 1,8% so với năm 2020 (tỷ lệ tăng trung bình là 12,8% năm), chiếm khoảng 14% tổng lao động của vùng năm 2020. Số lượng lao động trong doanh nghiệp FDI khá thấp. Quy mô lao động của các dự án đầu tư đạt 105,1 lao động/dự án năm 2020, tăng khoảng 8,6 lao động so với năm 2015. Năm 2020, tỷ lệ của 4 KKTVB(7) là 80,4%, tăng hơn 10% so với những năm trước. Lao động trong các KKTVB của vùng có chất lượng cao hơn mặt bằng chung. Năm 2020, tỷ lệ người lao động qua đào tạo ở KKTVB và khu công nghiệp trong vùng là 61% (trung bình của các địa phương chỉ là 13%)
Thứ năm, trình độ, công nghệ sản xuất trong các KKTVB của vùng cao hơn mặt bằng chung của Việt Nam và không ngừng được cải thiện. 
Giá trị vốn/lao động năm 2020 là 10,7 tỷ đồng, tăng 3,8 tỷ đồng trong 5 năm qua (theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trang bị vốn bình quân/lao động của cả nước năm 2020 là 2,7 tỷ đồng). Tỷ lệ chi phí trung gian trong sản xuất ở các KKTVB năm 2020 là 59,4%, giảm 3,1% trong 5 năm (2015 - 2020). Năng suất lao động ở các KKTVB năm 2020 đạt 4.77 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2015. Chỉ tiêu này của 4 khu KKTVB lớn vẫn cao hơn khoảng 20 - 25% mức chung. Năng suất vốn của các doanh nghiệp trong KKTVB năm 2020 đạt 0,45%, tăng 0,1% so với năm 2015.
2. Trình độ chuyên môn hóa sản xuất của KKTVB trong vùng ngày càng được nâng cao
Thứ nhất, định hướng hình thành cụm ngành trong các KKTVB được xác định cụ thể, như du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển; logistics; công nghiệp nặng; đóng tàu; lọc hóa dầu; năng lượng và năng lượng tái tạo; công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô; tài chính - ngân hàng; cảng trung chuyển quốc tế...
Thứ haikết cấu hạ tầng kết nối các KKTVB đã và đang được cải thiện và phát triển với đầy đủ loại hình, như đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Hạ tầng giao thông đường bộ trong các KKTVB cơ bản được xây dựng và hoàn thiện theo đúng quy hoạch. Hạ tầng viễn thông, điện lực, tài chính và ngân hàng được quy hoạch theo quy hoạch địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của các KKTVB. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng của vùng còn thiếu tính kết nối giữa các địa phương và với các KKTVB.
Thứ ba, các KKTVB trong vùng đã có mối liên kết cơ bản trong quy hoạch chung phát triển các khu công nghiệp và khu kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động liên kết vùng giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ còn hạn chế. Hiện nay, định hướng phát triển các KKTVB có sự trùng lặp, như cảng biển và logistics, du lịch biển, thương mại... Điều này dẫn đến xung đột và cạnh tranh lẫn nhau.
3. Các KKTVB đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của vùng
Thứ nhất, góp phần gia tăng sản lượng và nâng cao vai trò, vị thế của vùng. Năm 2015, các KKTVB tạo ra GTSX bằng 12,1%; năm 2020 bằng 29% tổng GTSX của vùng. Mức đóng góp vào GRDP của các KKTVB năm 2020 đạt gần 30% (tăng 20% so với năm 2015). Năng lực sản xuất của vùng được mở rộng, tăng tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế đất nước, chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 
Thứ hai, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Các KKTVB của vùng đã thay đổi căn bản cách thức tạo ra sản lượng, chủ yếu dựa trên nguồn lực lao động và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; bước đầu tạo ra các cực tăng trưởng mới; hình thành một số cụm ngành sản xuất lớn tầm cỡ quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của vùng, như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Nghi Sơn.
Thứ ba, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Tỷ lệ đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của các nền kinh tế năm 2020 đạt gần 43%, tăng hơn 26% so với 2015. Lượng FDI thực hiện các dự án ở các KKTVB là 17,4 tỷ USD năm 2015 và đạt 34,9 tỷ USD năm 2020, tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua. Các quan hệ kinh tế giữa các địa phương có KKTVB với các đối tác tỉnh, thành phố kết nghĩa, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia được mở rộng. Ngoài ra, lượng khách du lịch quốc tế tới miền Trung đặc biệt là Duyên hải Trung Bộ tăng nhanh, chi tiêu nhiều(8).
Thứ tư, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Tỷ lệ đóng vào ngân sách địa phương từ mức hơn 22% năm 2015, đến năm 2020 đạt gần 31% (tăng gần 9%). Mục tiêu phát triển các KKTVB để tăng thu ngân sách cho các địa phương trong vùng đã thành công.
Thứ năm, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Cùng với định hướng chính sách tập trung phát triển đô thị, các đô thị trong và ngoài các KKTVB đã dần hình thành và tăng dần quy mô, kết cấu hạ tầng đô thị. Diện tích các KKTVB ngày càng được mở rộng và tỷ lệ lấp đầy tăng, nên diện tích đô thị cũng tăng lên. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng tăng đáng kể (từ 24,8% năm 2010 lên 31,4% năm 2020).
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và thu nhập cho lao động; tỷ lệ người lao động qua đào tạo có bằng cấp trong các khu kinh tế và khu công nghiệp của vùng hiện nay đạt 61%. Các địa phương nơi có KKTVB có nhiều chính sách đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong vùng cũng nỗ lực tự đào tạo và tạo môi trường thuận lợi cho người lao động nâng cao trình độ tay nghề. Các KKTVB đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tổng việc làm tạo ra bởi các KKTVB tăng đáng kể, trung bình mỗi năm tạo ra khoảng 11 - 13 nghìn việc làm mới, tỷ lệ tăng trưởng việc làm là 12% năm. Thu nhập trung bình của người lao động trong các KKTVB cao hơn mặt bằng chung của nền kinh tế, trung bình hằng tháng đạt trên 10 triệu đồng/lao động.
II. Những vấn đề đặt ra
Thứ nhất, cơ chế, chính sách phát triển KKTVB còn thiếu tính đột phá và chưa đủ mạnh theo yêu cầu phát triển. Cơ chế, chính sách chung cho cả vùng cơ bản bình đẳng, nhưng còn khá cứng nhắc, chưa phù hợp với tính chất đặc thù của từng địa phương, tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư các địa phương; việc vận dụng, ban hành cơ chế, chính sách cho các địa phương thiếu thống nhất, tùy nhận thức và khả năng vận dụng của địa phương. Mặc dù có sự điều chỉnh chính sách cho một số KKTVB có tiềm năng lớn, nhưng vẫn chưa đủ xung lực thúc đẩy phát triển.
Thứ hai, vùng sản xuất hàng hóa tập trung chưa cao để tạo ra động lực - cực tăng trưởng cho nền kinh tế; sự phát triển sản xuất của các KKTVB của vùng không đều, hiện nay đang có sự phân hóa giữa các KKTVB. Mức độ tập trung các yếu tố sản xuất chưa cao và chỉ tập trung chủ yếu ở một số KKTVB; trình độ, công nghệ sản xuất chưa có sự vượt trội để tạo ra sự lan tỏa đối với nền kinh tế của vùng.
Thứ ba, mức độ chuyên môn hóa giữa các KKTVB của vùng chưa cao, còn trùng lặp; thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển; đồng thời, thiếu “nhạc trưởng” chỉ huy thực hiện. Liên kết phát triển giữa các địa phương có KKTVB và các KKTVB với nhau còn hạn chế.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính kết nối và tính hiện đại, như kết cấu hạ tầng ven biển tại các KKTVB được đầu tư phát triển tương đối nhiều, nhưng dàn trải, thiếu kết cấu hạ tầng lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ năm, sự phát triển của các KKTVB chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra; đóng góp vào tăng trưởng và hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp, chưa giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương... Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ tại các KKTVB.
III. Giải pháp khơi thông nguồn lực cho phát triển các khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
Trước tiên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng phải có quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển KKTVB.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Hiện nay, trong tổng số 11 KKTVB vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 4 KKTVB(9) có sự phát triển nổi trội nhất. Ngoài những yếu tố lợi thế nổi trội thì khát vọng phát triển của đội ngũ lãnh đạo địa phương là yếu tố quyết định. Tiêu biểu là Khu kinh tế mở Chu Lai, từ vùng đất cát hoang vắng, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tập trung mọi nỗ lực và khả năng của mình, sự đồng lòng của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là Công ty Trường Hải đã biến từ số “không” thành khu kinh tế ven biển bậc nhất ở Việt Nam(10).
Thứ hai, về cơ chế, chính sách.
Cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển KKTVB cần được hoàn thiện theo hướng nâng cấp khung khổ pháp luật với KKTVB nói riêng và khu kinh tế nói chung từ nghị định lên thành Luật để bảo đảm một khung pháp lý mạnh, đồng bộ cho khu kinh tế ven biển; đồng thời, giải quyết triệt để sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật, trong cơ chế phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước về KKTVB nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KKTVB và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước hiện hành để không còn tính lồng ghép của ngân sách, bảo đảm sự độc lập tương đối giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cho phép địa phương, nơi có KKTVB được thực hiện các phương thức huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cho KKTVB với tỷ lệ phù hợp. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện và xây dựng đồng bộ chính sách phát triển KKTVB và tích hợp vào chính sách phát triển kinh tế biển, ven biển của quốc gia và vùng. Các chính sách này phải bảo đảm tính hệ thống giữa các mục tiêu với các điều kiện, biện pháp và bảo đảm nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển các KKTVB.
Do các KKTVB ở các địa phương khác nhau nên yếu tố nổi trội khác nhau, vì vậy cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển từng KKTVB, trong đó tập trung vào phát triển bền vững một số nhóm ngành, lĩnh vực là động lực trong các KKTVB(11). Tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, ưu tiên và quan tâm nhiều hơn với dự án đổi mới, sáng tạo và lĩnh vực nghiên cứu - phát triển (R&D) vào KKTVB ở miền Trung. Thực hiện chính sách phát triển các mô hình vườn ươm công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất,... trong khu kinh tế ven biển, với mục tiêu là tạo nên doanh nghiệp công nghệ tham gia vào R&D, chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu vào phát triển sản phẩm thương mại.
Nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và quản lý doanh nghiệp sử dụng đất đai tại đây nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế, lãng phí đất đai.
Thứ ba, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KKTVB theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các KKTVB, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và quy hoạch tỉnh, thành phố, nơi có KKTVB.
Trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Đối với các KKTVB, trong điều kiện hiện nay, khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển và vùng lãnh thổ đang được xây dựng đồng thời với quy hoạch tỉnh, thành phố. Vì vậy, các địa phương có KKTVB cần chủ động và căn cứ vào Luật Quy hoạch năm 2017, Đề cương nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực tế phát triển kinh tế - xã hội và KKTVB của địa phương,... để đặt ra mục tiêu phát triển, bố trí không gian nhất là quỹ đất và nguồn lực phát triển các khu kinh tế này. Phát triển các khu kinh tế này như cực tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh, thành phố trong quy hoạch tỉnh, thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ tư, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các KKTVB. 
Nhà nước cần bố trí ngân sách ưu tiên cho đầu tư phát triển KKTVB thông qua đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông ven biển; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển; đầu tư hệ thống cảng biển quốc gia; đầu tư cho các hoạt động điều tra, quản lý tài nguyên biển và hải đảo; đầu tư xây dựng kết hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác thủy sản; đầu tư cho khoa học - công nghệ; đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể: 1- Nhà nước cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế biển; 2- Ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế ven biển. Theo quy định hiện hành, vốn ngân sách trung ương được phân bổ để hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu nhằm bảo đảm cho hoạt động và phát triển của khu kinh tế ven biển (Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg, ngày 26-10-2009, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển”; 3- Tập trung vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia. Trong đó, cảng biển được ưu tiên đầu tư bao gồm những cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu container thế hệ mới; 4- Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực; cho các hoạt động điều tra, quản lý tài nguyên biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, phân bổ vốn đầu tư theo tỷ lệ phù hợp với tiến độ và lộ trình xây dựng hạ tầng cho KKTVB sử dụng vốn ngân sách. Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có KKTVB được phép sử dụng toàn bộ hay một phần nguồn thu phát sinh trên địa bàn KKTVB để đầu tư phát triển hạ tầng KKTVB. Đặc biệt, hạn chế đầu tư trùng lặp, tận dụng ưu thế nổi trội và đặc thù, xây dựng chuỗi giá trị, tăng tính kết nối.
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Loại bỏ một số chính sách hiện hành không còn phù hợp, cần đa dạng hóa hơn nữa chính sách đầu tư đối với các KKTVB, không nên tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi đối với tất cả doanh nghiệp và nhà đầu tư mà cần có chính sách thu hút đầu tư có lựa chọn. Chủ động thu hút nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển, có thể giao cho nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực để đầu tư và quản lý, khai thác hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển. Việc đầu tư phát triển khu kinh tế ven biển cần kết hợp với quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài./.


 (1) 14 tỉnh, thành phố là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
(2) Xử lý từ số liệu Niên giám thống kê các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ năm 2021 
(3) Năm 2015 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các khu kinh tế ven biển của vùng đạt 46.434 tỷ đồng, đến năm 2020 là 196.101 tỷ đồng, tăng gấp 4,22 lần. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các khu kinh tế ven biển chiếm trong giá trị sản xuất của vùng đạt gần 25% năm 2015 và hơn 29% năm 2020
(4) Gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới,...
(5) Trước năm 2015, toàn vùng có 10 khu kinh tế ven biển. Tháng 9-2015, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg, ngày 16-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị”. Hiện nay, toàn vùng có 11 KKTVB phân bổ ở 11 tỉnh, trừ thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận không có khu kinh tế
(6) Xử lý từ số liệu Niên giám thống kê các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ năm 2021 
(7) Bao gồm Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)
(8) Năm 2019 là hơn 12,6 triệu, chiếm 70% lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Nếu tính bình quân thì lượng khách du lịch quốc tế trên 1 người dân năm 2019 của miền Trung là 0,6, cao gấp 3 lần trung bình của Việt Nam
(9) Bao gồm Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)
(10) Ngành phát triển cốt lõi là công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô, trung tâm logistics gắn với cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, dệt may và điện khí và hóa dầu
(11) Như: (i) Công nghiệp ô-tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, trung tâm khí điện và sản phẩm hóa dầu,... ở Chu Lai; (ii) Phát triển công nghiệp khai thác chế biến dầu khí ở Dung Quất và Nghi Sơn; (iii) công nghiệp nặng, luyện kim ở Vũng Áng, Dung Quất; (iv) phát triển khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (v) chính sách ưu đãi đầu tư và quy chế hoạt động của khu phi thuế quan, dịch vụ logistics để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt, đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, chế biến hàng hóa và các hoạt động khác trong khu phi thuế quan
 

(Nguồn Tạp chí Cộng sản)

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây