Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp

Thứ tư - 13/11/2024 15:47 153 0
Chuyển đổi công nghiệp là một quá trình tất yếu, khách quan trong quá trình công nghiệp hoá nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia nói chung nhằm chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương quan trọng của Đảng ta nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp là cơ sở cho việc đưa ra cơ chế, chính sách cụ thể, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo động lực mới và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế cũng như thu hút các nguồn lực chất lượng cao cho phát triển đất nước.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi Đổi mới (1986) đến nay. Trong suốt quá trình đó, đường lối của Đảng ta về CNH, HĐH đã liên tục được cập nhật, bổ sung và phát triển. Điều này được thể hiện rõ trong nghị quyết của các kỳ đại hội, nhất là trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết chuyên đề khóa XIII của Đảng(1), đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 29-NQ/TW)(2).
Chủ trương, đường lối của Đảng ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có liên quan đến chuyển đổi công nghiệp được thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng ta khẳng định CNH, HĐH là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội; là nhiệm vụ trung tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, giúp đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Điều này cho thấy, Đảng ta không đồng nhất CNH, HĐH với phát triển công nghiệp; công nghiệp hóa phải gắn với HĐH toàn bộ đời sống xã hội, trong đó phát triển công nghiệp có vai trò nòng cốt, tạo tác động lan tỏa tới tất cả ngành khác và toàn bộ đời sống xã hội (phương thức sản xuất công nghiệp, văn hóa sản xuất công nghiệp, công nghệ sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất công nghiệp...). Nói cách khác, phát triển công nghiệp sẽ không có ý nghĩa khi nó mang tính biệt lập và không có tác động lan tỏa tích cực đối với các ngành khác và tới toàn bộ đời sống xã hội. Thêm vào đó, CNH, HĐH ở Việt Nam là một quá trình mang tính nhân văn cao, gắn với truyền thống và văn hóa dân tộc.
Thứ hai, CNH, HĐH gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực; phát triển đô thị, phát triển nông nghiệp, nông thôn với CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương; tăng cường hội nhập quốc tế; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta đặt ra yêu cầu thực hiện CNH, HĐH theo lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm với nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Bên cạnh đó, CNH, HĐH phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH.
Trên cơ sở quan điểm nêu trên, Đảng ta đã đưa ra lộ trình thực hiện CNH, HĐH với hai giai đoạn: Giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn nước ta tiến tới đạt mức thu nhập trung bình cao) và giai đoạn 2031 - 2045 (giai đoạn nước ta tiến tới đạt mức thu nhập cao).
Trong giai đoạn 2026 - 2030, một trong các nhiệm vụ, giải pháp là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó cần: 1- Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 2- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước. 3- Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp. 4- Cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Có thể thấy đây là giai đoạn thực hiện quá trình chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đồng thời với quá trình chuyển đổi cơ cấu công nghiệp sang công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp ứng dụng công nghệ caoĐây cũng chính là quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ chủ yếu thâm dụng lao động giản đơn, kỹ năng thấp sang thâm dụng lao động kỹ năng cao.
Trong giai đoạn 2031 - 2045, cần tập trung nâng cao chất lượng CNH và đẩy mạnh HĐH toàn diện trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Đây là giai đoạn phát triển đột phá, giúp Việt Nam tránh được nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Các giai đoạn CNH, HĐH được đưa ra là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Để xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được áp dụng:
- Hình thành hệ thống khu công nghiệp hiện đại quy mô lớn theo hướng sinh thái đi đôi với phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi.
- Phân bố không gian phát triển công nghiệp gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng.
- Nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải các-bon thấp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
- Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Tăng cường liên kết, chuyển giao, chuyển đổi công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, hình thành một số nền tảng đổi mới sáng tạo dùng chung.
Điều này cho thấy, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong các bài viết, đặc biệt là vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định, CNH ở nước ta là CNH xã hội chủ nghĩa, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, tự lực, tự cường sẽ bảo đảm cho Việt Nam có được một nền kinh tế tự chủ, tạo nền tảng để tạo dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết “Thế nào là công nghiệp hóa” đăng trên Báo Nhân Dân năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Xây dựng một nền công nghiệp đầy đủ... không phải là dễ. Các nước tư bản phương Tây đã mất mấy trăm năm. Chúng ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chúng ta có thể rút ngắn... Nhưng phải cố gắng nhiều, phải phấn đấu gian khổ”.  “...chưa có công nghiệp nặng, thì chưa thể gọi là công nghiệp hóa. Chưa có công nghiệp nặng, thì chưa thể có một nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh được”(4).
Thứ tư, hoàn thiện và tạo đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách. Để thực hiện thành công quá trình CNH, HĐH, Đảng ta đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, đặc biệt là tạo đột phá về thể chế và cơ chế, chính sách. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nói cách khác, cần hoàn thiện quan hệ sản xuất để bảo đảm sự phù hợp và mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại trong thời kỳ nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc(5). Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: 
1. Đối với phát triển một số ngành công nghiệp
1.1. Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: 1- Luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh). 2- Cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế). 3- Hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới). 4- Vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới). 5- Công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).
1.2. Thể chế hóa cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.
2. Đối với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
2.1. Ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học - công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm ba nước đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
2.2. Thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tại một số địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số.
3. Đối với trung tâm, dự án trọng điểm
3.1. Có chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm du lịch, trung tâm logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ khu vực và quốc tế tại một số đô thị; tạo môi trường thuận lợi thu hút dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đối tác thuộc các nước phát triển.
3.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện cơ chế phù hợp để tạo đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ, đường sắt.
4. Đối với khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế
4.1. Xây dựng khung tiêu chí và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ.
4.2. Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
4.3. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai thí điểm mô hình khu kinh tế đặc thù, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, mô hình kinh tế mới tại một số địa phương có tiềm năng và đáp ứng điều kiện, tiêu chí triển khai thí điểm.
5. Đối với phát triển nguồn nhân lực
Tập trung ưu tiên đầu tư thích đáng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong tình hình mới./.

----------------------
(1) Như các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế - xã hội; nghị quyết về phát triển đô thị, về sự tham gia của Việt Nam vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
(2) Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu rất rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới tư duy; hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng nền công nghiệp quốc gia, phát triển nông nghiệp, nông thôn và các ngành dịch vụ; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy đô thị hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển các thành phần kinh tế; xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và doanh nhân; hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu,...
(3) Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng trên 4.000 USD, dự báo đến năm 2030 khoảng 7.000 - 8.000 USD
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, 2011, Hà Nội, t. 12, tr. 450
(5) Tô Lâm: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tạp chí Cộng sản, số 1045, tháng 9-2024, tr. 3
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây