Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện

Thứ hai - 29/11/2021 16:37 498 0
Ngày 12/11/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tập trung vào các nội dung sau:
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, môi trường văn hóa lành mạnh
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 hướng đến mục tiêu chung là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời hướng đến việc hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế. Mặc khác, phải có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Phấn đấu có ít nhất 5 di sản được UNESCO công nhận
Đây cũng là một trong số các mục tiêu quan trọng, cụ thể đến năm 2030 của Chiến lược. Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. 
Bảo đảm khoảng 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.  Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật…
Xây dựng Chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930 - 2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng…
Phấn đấu có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm;…
Chiến lược tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Để đạt mục tiêu trên, Chiến lược đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp như sau: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển văn hóa sẽ góp phần xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế./.

Tác giả bài viết: Hoàng Bảo Thy

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây