Theo đó, Kế hoạch xác định nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và trách nhiệm của các phòng, đơn vị thuộc Sở, đơn vị trực thuộc Sở trong công tác chuyển đổi số năm 2022 của Sở Công Thương, cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ, giải pháp chung
1.1. Đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số
Phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo trong công tác chuyển đổi số của các cấp có thẩm quyền, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chủ động tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong công tác chuyển đổi số theo lĩnh vực phụ trách tham mưu; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao của phòng, đơn vị.
1.2. Phát triển hạ tầng số
1.2.1. Hạ tầng công nghệ thông tin
Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống mạng LAN, thiết bị công nghệ thông tin của Sở phù hợp, đồng bộ với hệ thống mạng chuyên dùng của tỉnh, đảm bảo an toàn an ninh thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hệ thống thông tin, kết nối các cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin trên môi trường mạng nhằm mục tiêu bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin của Sở đạt yêu cầu, tiêu chuẩn, tạo tiền đề để xây dựng chính quyền số và công tác chuyển đổi số.
1.2.2. Hạ tầng dữ liệu
- Vận hành và cập nhật đầy đủ dữ liệu các Hệ thống thông tin cấp trên triển khai: Hệ thống báo cáo trực tuyến của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Hệ thống CSDL Quản lý cán bộ công chức; Hệ thống CSDL Giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo,….
- Vận hành và cập nhật cơ sở dữ liệu ngành Công Thương, năm 2022 tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp.
1.3. Phát triển nguồn nhân lực
Bố trí và cử công chức, viên chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về công tác chuyển đổi số do tỉnh, các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức nhằm bảo đảm nguồn nhân lực của Sở đáp ứng yêu cầu để thực hiện công tác chuyển đổi số.
2. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính quyền số
2.1. Phục vụ người dân và doanh nghiệp
- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan đơn vị có liên quan rà soát cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 cho các TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo quy định với mục tiêu trên 95% TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
- Thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có kèm theo kết quả điện tử với mục tiêu 100% hồ sơ TTHC của tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp, trực tuyến được cập nhật vào Hệ thống Một cửa điện tử để chuyển xử lý; trên 80% hồ sơ TTHC được trả kết quả giải quyết có kèm theo kết quả điện tử.
2.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước
Tiếp tục ứng dụng Văn phòng điện tử liên thông triển khai đến các phòng, đơn vị, đơn vị trực thuộc Sở; liên thông, gửi nhận văn bản điện tử trong toàn tỉnh và các đơn vị ngoài tỉnh, có thực hiện ký số, nhằm giảm tài liệu giấy trong hoạt động quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động với mục tiêu trên 95% văn bản đến Sở Công Thương được số hóa cập nhập vào Văn phòng điện tử và chuyển xử lý; trên 95% văn bản đi được dự thảo, trình duyệt, ký số và phát hành điện tử; trừ văn bản mật.
2.3. Số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính
quyền
- Tạo lập hồ sơ công việc theo danh mục lưu trữ đầu năm trên hệ thống Văn phòng điện tử để phục vụ công tác lưu trữ điện tử của cơ quan theo quy định với mục tiêu tạo lập trên 50% hồ sơ công việc trên hệ thống Văn phòng điện tử theo Danh mục lưu trữ đã ban hành năm 2022.
- Số hóa kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương với mục tiêu Số hóa được các Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận,… do Sở Công Thương cấp cho tổ chức, cá nhân trong giai đoạn 2015-2022 đến nay còn hiệu lực.
3. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số
3.1. Thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp
- Phối hợp triển khai đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh; thực hiện cập nhật năng lực sản xuất mới tăng của một số sản phẩm công nghiệp; phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ đề án khuyến công chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành Công Thương.
3.2. Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định
Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử vùng nông thôn, đưa bà con nông dân buôn bán, cung cấp hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.
3.3. Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng
Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả.
4. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội số
Cán bộ công chức, viên chức, người lao động Sở Công Thương gương mẫu sử dụng các dịch vụ xã hội số (y tế, an sinh xã hội, thanh toán điện tử, phản ánh hiện trường…); tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chính quyền số, xã hội số, tham gia phát triển kinh tế số.
Nội dung chi tiết Kế hoạch tải xem tại đây.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Kha
Ý kiến bạn đọc