Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại

Thứ tư - 30/11/2022 16:59 888 0

 I. KẾT QUẢ CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH NĂM 2022
1. Về triển khai thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển CN-TM năm 2022; tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai các phương án, biện pháp, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ SXKD và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động SXKD, dự trữ hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường, phục vụ tốt dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phục hồi và phát triển SXKD sau dịch bệnh Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng DN, hoạt động CN-TM trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 có sự tăng trưởng.
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới; Sở Công Thương triển khai thực hiện chương trình công tác trọng tâm trong năm 2022 để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ; Quyết định số 60/QĐ-BCT ngày 18/01/2022 của Bộ Công Thương và Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh ban hành về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022.
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 3808/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 6090/UBND-TH ngày 20/10/2022, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2022, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển CN-TM năm 2022 đã được HĐND tỉnh giao.
2. Kết quả đạt được
a) Về phát triển công nghiệp và thương mại
- Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Sở Công Thương đã tập trung nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, để sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án mới, hỗ trợ thị trường nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất CN-TM theo kế hoạch.
- Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Quyết định số 61/QĐ-BCT ngày 18/01/2022 của Bộ Công Thương; Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 13/02/2022 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Sở Công Thương đã thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp. Đã làm việc với 11 doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN; qua đó đã kịp thời tổng hợp 17 kiến nghị, đề xuất và những khó khăn, vướng mắc của các DN tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhất là đối với các DN có sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc các nhóm ngành quan trọng, chủ lực của tỉnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6689/UBND-KT ngày 10/11/2022 về việc hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Sở Công Thương tiếp nhận 64 nội dung kiến nghị với 109 lượt kiến nghị thuộc 08 nhóm vấn đề của 39/49 Hiệp hội, DN phản ánh. Trong đó, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành 55 nội dung với 97 lượt kiến nghị; thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương 09 nội dung với 12 lượt kiến nghị.
- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình kích thích tiêu dùng nội địa nhằm khôi phục, phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo tình hình lưu thông hàng hóa, giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc đầu cơ, găm hàng để trục lợi.
- Theo dõi, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
b) Về cải cách hành chính
Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, thực hiện tốt nội dung xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường ứng dụng nhiều phần mềm phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện công tác số hóa và tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thông qua thực hiện quy trình nghiệp vụ kiểm tra, xác thực tài khoản khi công dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến, hướng dẫn công dân tạo tài khoản trước khi nộp hồ sơ,… Tăng cường kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
* Kết quả chung đã đạt được:
- Chỉ số SXCN tăng 7,05%;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 94.908 tỷ đồng, đạt 102,9% KH năm, tăng 19,16%;
- Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.550 triệu USD, đạt 114,8% KH năm, tăng 9,3% so với năm 2021.
Đã hoàn thành 02 nội dung trong Chương trình công tác trọng tâm năm 2022 được UBND tỉnh giao:
+ Xây dựng Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định;
+ Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Những khuyết điểm, tồn tại chủ yếu
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ; một số ngành sản xuất thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số sản phẩm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhất là từ các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU); chưa phát huy hết dư địa sẵn có, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển CN-TM của tỉnh.
Nguyên nhân của những khuyết điểm, tồn tại nêu trên là do những yếu tố khách quan và một số nguyên nhân chủ quan như: Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, xăng dầu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao cũng ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, thương mại...
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2023
Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ngành Công Thương ra sức khắc phục những khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 như sau:
- Chỉ số SXCN năm 2023 ước tăng từ 7,5-7,7% so với năm 2022;
- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2023 ước đạt 97.680 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2022.
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.550 triệu USD.
Để thúc đẩy hoạt động CN-TM trong năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục tập trung công tác quản lý ngành, chủ động triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành như sau:
- Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định của Bộ Công Thương và của UBND Tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
- Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy sản xuất đang hoạt động, cũng như các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng sớm đi vào hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị mới, phát huy giá trị sản xuất công nghiệp.
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 3808/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025; trong đó tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ của năm, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp lớn của Chương trình.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khi được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời tiếp tục thực hiện các Chương trình và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát triển thị trường trong nước.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC của Sở, thực hiện tốt văn phòng điện tử, điện tử liên thông, triển khai nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến 100% ở mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho cho DN, các tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực CN-TM.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hành chính và chuyên ngành việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công nghiệp và thương mại như: an toàn lưới điện, an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh xăng dầu, hoạt động bán hàng đa cấp, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất...

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây