Một số giải pháp phát triển ngành Công Thương năm 2025

Thứ sáu - 13/12/2024 15:37 70 0
Năm 2025 là năm cuối cùng đánh giá thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và biến động chính trị toàn cầu.

Phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Về một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025:
- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 8,5 - 9,5% so với năm 2024.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 ước đạt 126.600 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 1.710 triệu USD.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2025, góp phần thực hiện hoàn thành đạt và vượt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), ngành Công Thương Bình Định tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ tổng quát như sau:
1. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định của Bộ Công Thương về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Triển khai Quyết định của UBND tỉnh về việc Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 31/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch số 193/KH-UBND về triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch tỉnh.
2. Về phát triển công nghiệp
- Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy đang hoạt động, các nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2024 và các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2025… phát huy giá trị sản xuất hiện có, tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực; cụ thể:
+ Các nhà máy đang hoạt động phát huy hết công suất, đóng góp tăng 3,0 điểm %;
+ 80 Nhà máy mới đi vào hoạt động trong 2024, nhất là 12 dự án trọng điểm, phát huy giá trị trong 2025, đóng góp tăng 3,0-3,5 điểm %;
+ Năm 2025 dự kiến có 55 dự án với tổng vốn đầu tư 6.604 tỷ đồng (15 dự án trọng điểm, vốn đầu tư 5.376 tỷ đồng) đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp mới, đóng góp tăng 2,5-3,0 điểm % chỉ số sản xuất công nghiệp. Đây là nhân tố quyết định việc đạt mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp 2025
- Tiếp tục triển khai thực hiện phát triển ngành công nghiệp theo các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, chính sách… đã được phê duyệt, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành như:
+ Tiếp tục thực hiện Quyết định số 3808/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025.
+  Thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, bám sát mục tiêu giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện đề án khuyến công đảm bảo chất lượng và tiến độ; tạo điều kiện các cơ sở được hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ, tạo thêm giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
+ Triển khai nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng nội dung hỗ trợ phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về CCN: Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030; phối hợp với UBND các địa phương, các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các CCN (ít nhất mỗi địa phương sẵn sàng từ 20-30 ha hoặc 50% diện tích đất công nghiệp chưa cho thuê tại các CCN) và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN, nhất là hệ thống giao thông nội bộ, cấp điện, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường..., tạo mặt bằng sạch có sẵn hạ tầng sẵn sàng thu hút các DN vào đầu tư SXKD, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN.
3. Về thương mại nội địa
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động thương mại, phân phối, bán buôn và bán lẻ. Thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới các siêu thị bán buôn và bán lẻ, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, sàn giao dịch, chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi... Đa dạng hóa các phương thức phân phối, phát triển nhanh thương mại điện tử.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng phát triển thị trường cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh và khuyến khích tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp tại địa phương thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án Hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 427/TB-UBND ngày 20/10/2024 về Ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định các loại nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ, làm việc với các nhà phân phối, chế biến nông sản lớn của cả nước để hình thành các kênh tiêu thụ nông sản bền vững, quan tâm hỗ trợ các sản phẩm OCOP của tỉnh.
- Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển Thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ hình thành một số mô hình TMĐT điểm; tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại địa phương; Đa dạng hóa các phương thức phân phối, tạo sự gắn kết giữa TMĐT với các loại hình thương mại truyền thống, khuyến khích thương nhân ứng dụng TMĐT trong giới thiệu, mua bán hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ kết nối các sản phẩm lên nền tảng TMĐT.
- Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo bình ổn thị trường, giá cả; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử...; thực hiện đầy đủ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các mặt hàng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy định…
4. Về xuất khẩu
- Phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước nhằm phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chú trọng thị trường các nước là thành viên các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tìm kiếm, mở rộng thị trường mới tiềm năng; tiếp tục củng cố, nắm vững các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa các lợi thế của các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP.... Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại.
- Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thiết lập mối quan hệ với các cơ quan Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài thông qua các Hội nghị thương vụ hàng tháng do Bộ Công Thương tổ chức để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp ứng phó và hạn chế rủi ro và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, mở rộng thị trường.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại (cả trực tuyến và trực tiếp) cho các doanh nghiệp thông qua công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế chuyên ngành và đa ngành.
5. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp qua các hình thức Trực tiếp thông qua các hoạt động hỗ trợ các Chương trình, Đề án Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Dự kiến trong năm 2025; ngành Công Thương triển khai thực hiện các đề án khuyến công và đề án XTTM với tổng kinh phí hỗ trợ trên 10 tỷ đồng); Hỗ trợ gián tiếp thông qua việc tiếp tục triển khai nhiệm vụ 03 Tổ Công tác của Sở Công Thương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên lĩnh vực của ngành.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Cải cách hành chính của Sở Công Thương năm 2025; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hành chính và chuyên ngành việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công thương; Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn của các cơ sở, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh khắc phục các tồn tại nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp các, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại đã được UBND tỉnh giao cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ.
Năm 2025 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước, với sự quyết tâm cao “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, ngành Công Thương cùng với sự chung sức đồng lòng phấn đấu của các Doanh nghiệp, chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra góp phần đưa ngành Công Thương đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong năm 2025.

Tác giả bài viết: Ngô Văn Tổng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây