Theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quy định bãi bỏ thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính, Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm của Kiểm tra viên điện lực và quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho “Người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, công chức, viên chức thuộc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang thi hành công vụ, nhiệm vụ”; đồng thời, sửa đổi quy định “Đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định” thành “Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định”.
Để triển khai thực hiện Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 42/2022/TT-BCT quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện; theo đó, tiếp tục bãi bỏ trách nhiệm về xác định sản lượng điện trộm cắp và số tiền điện trộm cắp có được từ hành vi trộm cắp điện và ngừng cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện có hành vi trộm cắp điện của Kiểm tra viên điện lực mà quy định trách nhiệm này cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Với những nội dung mới quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Thông tư số 42/2022/TT-BCT thì cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để thực hiện các công việc trong quá trình xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực trên địa bàn tỉnh và đảm bảo yêu cầu, kết quả xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với những vụ việc đã được phát hiện như: những trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020); những trường hợp liên quan trách nhiệm quản lý liên ngành của các cơ quan, đơn vị; những trường hợp cần xác minh, xác định chủ thể vi phạm, chứng cứ hành vi; những trường hợp do cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận thụ lý nhưng không đủ căn cứ để khởi tố điều tra xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm chuyển cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính; và những trường hợp cần thiết khác đã được lãnh đạo có thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi thống nhất.
Do đó “Quy chế phối hợp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực trên địa bàn tỉnh Bình Định” ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đạt yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và có trách nhiệm liên quan trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp kịp thời, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm việc thực hiện pháp luật trên lĩnh vực điện lực giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cũng như các doanh nghiệp, đơn vị phân phối điện, truyền tải điện, bán buôn điện, bán lẻ điện./.
Tác giả bài viết: Hà Lê Xuân Hồng
Ý kiến bạn đọc