Tăng cường liên kết, phối hợp giữa 02 vùng: Trung bộ và Tây nguyên trong thúc đẩy phát triển kinh tế hiện nay

Thứ năm - 02/11/2023 14:45 258 0
Vùng Trung Bộ và Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; là khu vực có vị trí địa lý quan trọng trong bảo đảm an ninh - quốc phòng. Những năm qua, dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế, khoảng cách nhất định trong quá trình xây dựng kinh tế giữa hai vùng, đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động liên kết, hợp tác nhằm khai thác, phát huy mọi nguồn lực, lợi thế để cùng phát triển.

Liên kết vùng - yêu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế vùng Trung Bộ và Tây Nguyên
Vùng Trung Bộ (VTB) gồm các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng tới Bình Thuận, có diện tích gần 4,46 triệu héc-ta (chiếm 13,4% diện tích cả nước); dân số khoảng 9,4 triệu người, chiếm 9,5% cả nước (năm 2021); bao gồm tiểu vùng 1 (các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi) và tiểu vùng 2 (các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận). Vùng Trung Bộ nằm trải dài trên 750km bờ biển Đông, có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển, như hàng hải, năng lượng, dầu khí, thủy sản, du lịch biển,...; có nhiều di sản văn hóa thế giới gắn với đời sống thường nhật của dân cư ven biển,... Trong khi đó, vùng Tây Nguyên (VTN) bao gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), nằm dọc theo dãy Trường Sơn (phía tây VTB) với diện tích khoảng 5,45 triệu héc-ta (chiếm 16,46% cả nước), dân số hơn 6 triệu người (6,12% cả nước); có diện tích đất đỏ ba-zan lớn nhất cả nước cùng nhiều tài nguyên thiên nhiên, như các loại khoáng sản, rừng, thủy điện,...; có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày và dịch vụ du lịch sinh thái,...; là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế của hai vùng không ngừng tăng và vị thế được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn so với cả nước, đặc biệt là VTN; cơ cấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) có chuyển biến tích cực “từ lượng sang chất” dựa trên sự thay đổi cấu trúc nội ngành, đặc biệt là sự phát triển của những ngành có tốc độ gia tăng năng suất cao. Mặt khác, chất lượng nguồn lao động hai vùng không ngừng được nâng lên, tuy nhiên VTB cao hơn trong khi VTN vẫn thấp hơn trung bình chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, nhưng có sự chênh lệch khá lớn giữa hai vùng. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng đều, nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định: Năm 2020, HDI của VTB là 0,7 (tăng 0,025 điểm so 2016) và ngang bằng mức trung bình của cả nước (riêng tiểu vùng 1 đạt 0,7253); chỉ tiêu này của VTN đạt 0,653 (tăng 0,023 so với năm 2016) và chỉ bằng 92% cả nước. 
Nhìn chung, liên kết vùng là quá trình hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển giữa các chủ thể trong một vùng hoặc giữa các địa phương trong vùng với bên ngoài; là sự phân công, phối hợp nhằm khai thác thế mạnh về chuyên môn, tiềm năng, lợi thế từng địa phương, từ đó mang lại hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội so với việc các địa phương, vùng tự phát triển một cách cục bộ, riêng rẽ. Liên kết vùng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như liên kết ngành, liên kết giữa các chủ thể chức năng và liên kết không gian (bao gồm liên kết nội vùng và liên vùng,...). Hiện nay, liên kết vùng được coi là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế giữa VTB và VTN bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, kiến tạo động lực, nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững; cho phép khai thác, bổ sung tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và phát huy lợi thế từng vùng; tạo điều kiện mở rộng không gian kinh tế, thị trường, từ đó, tận dụng lợi thế theo quy mô và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích hai vùng đạt khoảng 10 triệu héc-ta trên tổng số 15.5 triệu dân. Đây là cơ sở để mở rộng thị trường, nguồn nhân lực, quy mô các ngành kinh tế và thực hiện phân công, hợp tác lao động một cách tốt hơn; tạo ra lợi thế trong thu hút nguồn lực (nhất là vốn đầu tư) cũng như sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhiều hơn từ Trung ương; mở ra nhiều cơ hội trong lựa chọn ngành, lĩnh vực liên kết hợp tác hiệu quả.
Thứ hai, liên kết vùng là nền tảng để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa hai vùng; cho phép cải thiện sự phân hóa và tạo ra cơ chế hỗ trợ thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả. So với VTN, năm 2020, cơ cấu kinh tế VTB hiện đại hơn (cả về tỷ lệ GRDP và nguồn nhân lực chất lượng cao); quy mô nền kinh tế lớn gấp 2 lần (thu nhập đầu người gấp gần 1,4 lần); Chỉ số phát triển con người gấp 1,1 lần; tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,52 lần (khoảng 42,6%); tích lũy vốn con người gấp 1,2 lần; tổng đầu tư phát triển thực hiện gấp 2,6 lần; tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của doanh nghiệp gấp 3,2 lần; tổng doanh nghiệp (57,6 nghìn) gấp 2,5 lần; tổng lao động gấp 1,6 lần,... 
Thứ ba, hoạt động liên kết là yếu tố then chốt trong thực hiện yêu cầu về phân bổ không gian quy hoạch quốc gia cũng như trong tổ chức không gian phát triển nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của từng vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa - chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh mới; tạo điều kiện để các địa phương hai vùng thực hiện các đột phá quan trọng thúc đẩy phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn  đến năm 2050. Hiện nay, thách thức lớn đối với hoạt động liên kết phát triển giữa VTB và VTN là sự yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực; do đó, hoạt động liên kết là cơ sở quy tụ và huy động mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương.
Thứ tư, liên kết vùng là yếu tố hạn chế, giảm thiểu xung đột, cạnh tranh không cần thiết, đồng thời tạo ra sự khác biệt trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từng vùng.
Sự tương đồng về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khiến định hướng phát triển các ngành kinh tế tương tự như nhau, tạo ra sự cạnh tranh và xung đột lợi ích không cần thiết (giữa các tỉnh, thành phố); do đó, liên kết trên cơ sở các quy hoạch và thỏa thuận phân công giữa các địa phương và vùng là giải pháp giải quyết vấn đề này. Cụ thể, các tỉnh, thành phố VTB phát triển cảng biển và dịch vụ logistics trên cơ sở lợi thế từng địa phương trong quan hệ tương quan với các tỉnh VTN (như tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Bình Định với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum); các tỉnh tiểu vùng 1 phát triển các ngành kinh tế biển với nhiều lợi thế, như hình thành, phát triển các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế, trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, phụ trợ ngành cơ khí,...; các tỉnh tiểu vùng 2 sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, du lịch biển, dịch vụ cảng biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, các khu kinh tế ven biển,... Trong khi đó, các tỉnh VTN hợp tác phát triển cây công nghiệp, như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, cây ăn quả,... theo quy hoạch gắn với lợi thế công nghiệp chế biến và lao động; chủ yếu hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè,...; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, hình thành các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Từ đó cho thấy, việc liên kết phát triển cho phép phát huy thế mạnh từng địa phương và tạo ra tác động từ các ngành hiện đại, có trình độ công nghệ và năng suất cao tới các ngành còn lại cũng như thúc đẩy phát triển các ngành phụ trợ. Mặt khác, hoạt động liên kết cho phép hoàn thiện và khắc phục điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế hay chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, các tỉnh; hạn chế tình trạng cát cứ và manh mún về hành chính và kinh tế.
Thực trạng liên kết vùng trong những năm qua
Thứ nhất, về liên kết trong nội bộ các tỉnh, thành phố vùng Trung Bộ và vùng Tây Nguyên: Từ khát vọng phát triển, khắc phục tình trạng cạnh tranh lẫn nhau dẫn đến lãng phí nguồn lực và nhằm kiến tạo sức mạnh phát triển chung, từ năm 2011, các địa phương VTB đã thực hiện triển khai hoạt động liên kết, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, như phát triển du lịch liên vùng (liên kết với các vùng lân cận, kể cả liên kết quốc tế); đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến và thu hút đầu tư; xây dựng, phát triển hạ tầng kết nối và cơ sở dữ liệu thông tin vùng; phòng, chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,...; từ đó, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các quy hoạch ngành. Trong khi đó, với thế mạnh, tiềm năng có sự tương đồng nhất định giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên, nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển được tiến hành nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả,...; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin, thương mại và dịch vụ du lịch.
Thứ hailiên kết giữa hai vùng Trung Bộ và Tây Nguyên: Hoạt động liên kết, hỗ trợ giữa hai vùng được thực hiện theo hai kênh: (1) Hoạt động của Ban điều phối Vùng Duyên hải miền Trung thông qua tọa đàm, hội thảo, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, như du lịch, dịch vụ logistics và hạ tầng giao thông,...; (2) Hoạt động liên kết của doanh nghiệp ngành du lịch, logistics, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,...
Thứ ba, về vấn đề cơ chế liên kết vùng.
Trên cơ sở nhu cầu liên kết giữa hai vùng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm tạo ra cơ sở thúc đẩy liên kết vùng phát triển tốt hơn được ban hành, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu,... cùng các nghị định, hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Cùng với đó, cơ chế điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm được xây dựng, đến nay, các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng và các tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đều đặt ra nhiệm vụ liên kết phát triển, như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”,... Từ năm 2011, lãnh đạo các tỉnh VTB thống nhất ký kết hình thành cơ chế tự nguyện liên kết phát triển với Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung, bao gồm các bí thư tỉnh ủy, thành ủy; ban hành và triển khai những quyết định phù hợp, bảo đảm hài hòa hơn các lợi ích phát triển giữa vùng với các tỉnh, thành phố; cơ chế liên kết dựa trên tinh thần tự nguyện và là diễn đàn để các tỉnh lựa chọn lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Mặt khác, việc lựa chọn liên kết sẽ dựa vào ý kiến đề xuất của Nhóm Tư vấn Vùng, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học độc lập; ngoài ra, để bảo đảm nguồn lực hoạt động liên kết vùng, các tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng Quỹ Nghiên cứu phát triển miền Trung từ đóng góp chính của các tổ chức kinh tế trong nước và của các tỉnh, thành phố là thành viên.
Ở Tây Nguyên, hoạt động liên kết, hỗ trợ được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 2000 - 2017, các hoạt động liên kết phối hợp của các địa phương đặt dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Đồng thời, từ kinh nghiệm của các tỉnh VTB, từ năm 2010, VTN triển khai hoạt động liên kết vùng thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm; qua đó, các thỏa thuận thực hiện phối hợp liên kết với các địa phương cùng tiềm năng và dễ xung đột lợi ích được ký kết, như phát triển sản xuất chế biến cây công nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông và du lịch,...
Một số khó khăn, hạn chế
Một là, nhận thức trong chính quyền và nhân dân về tính độc lập tương đối giữa không gian kinh tế và không gian hành chính (chính quyền địa phương vừa thực hiện chức năng quản lý hành chính, vừa phát triển kinh tế - xã hội) có mặt chưa đầy đủ, toàn diện, dẫn đến cách tư duy về liên kết phát triển vùng dựa trên việc tạo ra cấp hành chính quy mô vùng để thực hiện cả hai chức năng trở nên khó khăn, phức tạp; đồng thời, luật pháp hiện hành cũng tạo ra một số rào cản, vướng mắc nhất định. Bên cạnh đó, hiệu lực và hiệu quả thực thi thể chế, vận hành liên kết vùng còn thấp, chưa chặt chẽ; tư duy “mạnh ai nấy làm” còn khá phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Hai là, việc tạo ra cơ chế bổ sung (cơ chế của nhà nước) trong hoạt động liên kết để thị trường vận hành thông suốt, không bị chia cắt còn khó khăn, vướng mắc; việc gia tăng quy mô cũng như vị thế chung của vùng, tạo cơ sở để Trung ương cho phép áp dụng cơ chế, chính sách mới chưa rõ ràng. Lợi ích nhận được từ liên kết phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng cho các tỉnh, thành phố, dẫn đến hạn chế trong tạo động lực liên kết; việc lựa chọn cách thức và lĩnh vực liên kết chưa hài hòa lợi ích giữa các chủ thể (ở quy mô tỉnh, tiểu vùng và vùng).
Ba là, chưa xây dựng được mô hình liên kết phù hợp, bảo đảm hài hòa về lợi ích, quy định của thể chế và vị trí, vai trò các chủ thể. Mặt khác, chưa vận dụng và cụ thể hóa hiệu quả các quy định của thể chế hiện hành trong liên kết phát triển vùng, như quy hoạch, phân bổ đầu tư và phát triển hạ tầng; đồng thời, chưa bố trí và thiếu nguồn lực để thực hiện liên kết phát triển vùng. Mặc dù Hội đồng Vùng được thành lập cũng như có các tổ điều phối thuộc các bộ, ngành và các địa phương quản lý hoạt động liên kết, như Ban Điều phối vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (hiện nay phải tạm dừng do chưa có các thành viên thay thế), nhưng sự liên kết vẫn chưa tốt, chưa hiệu quả, gây ra hậu quả vừa lâu dài, tốn kém, vừa khó khăn trong sửa đổi.
Một số kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới
Thứ nhất, các tỉnh, thành phố cần tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết và lợi ích tổng thể của hoạt động liên kết vùng; cùng mở rộng không gian kinh tế, xây dựng thêm dư địa phát triển, lợi thế sức mạnh thị trường và nguồn lực phát triển chung. Đồng thời, thay đổi tư duy về vấn đề tham gia liên kết, tinh thần “tự nguyện” tham gia vì có lợi ích trước tiên cho từng địa phương là nguyên tắc của liên kết và hợp tác bởi các chủ thể, trong đó các tỉnh, thành phố đều có sự độc lập tương đối trong chiến lược phát triển riêng.
Thứ hai, xác định rõ mô hình liên kết giữa VTB và VTN trong ngắn hạn và dài hạn. Từ những điều kiện, tình hình mới cả về thể chế và thực tiễn cho thấy, cần lựa chọn mô hình liên kết “một số lĩnh vực trọng tâm”, như xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách phát triển các địa phương; thực hiện phân bổ đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về vùng; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; phòng, chống biến đổi khí hậu,... Mặt khác, trong tầm nhìn dài hạn, cần xây dựng mô hình liên kết vùng trên cơ sở lựa chọn các tiểu vùng, bao gồm nhiều tỉnh có tiềm năng hợp tác.
Thứ ba, cần chủ động, linh hoạt vận dụng các quy định đã có trong xây dựng cơ chế liên kết và chỉ đề xuất bổ sung trong phạm vi khung khổ pháp luật hiện hành, nhất là các công cụ quy hoạch; đồng thời, xây dựng mô hình Hội đồng Vùng theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”. Hội đồng Vùng “có thể” gồm chủ tịch (là đồng chí ủy viên Bộ Chính trị), thành viên Hội đồng là bộ trưởng hay thứ trưởng các bộ, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường,... và bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Hội đồng Vùng sẽ quyết định lựa chọn hình thức, mức độ trong liên kết.
Thứ tư, huy động nguồn lực cho hoạt động liên kết vùng từ nguồn đóng góp của địa phương và doanh nghiệp gắn với thực hiện phân cấp, phân bổ hợp lý và minh bạch. Thực tế, nền kinh tế vùng, liên kết vùng chỉ có thể thực hiện khi có quá trình phân cấp hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và thị trường ở từng vùng cụ thể; do đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu để thực hiện phân cấp cho Hội đồng vùng cơ chế quyết định tập thể, như quyết định đầu tư, chính sách hỗ trợ, chương trình phát triển, tổ chức hệ thống dịch vụ công, phát triển hạ tầng,...
Thứ năm, các địa phương cần chuẩn bị nguồn vốn, nguồn nhân lực để chủ động, sẵn sàng tham gia vào các dự án liên kết, hợp tác, tận dụng được ưu thế và lợi ích từ hoạt động liên kết. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra đánh giá việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cân nhắc lợi thế so sánh của địa phương trong mối quan hệ liên vùng về vị trí địa lý, giao thông, thông tin liên lạc, giao lưu kinh tế, phân bố dân cư và văn hóa xã hội,...; phân tích, đánh giá vai trò của địa phương trong vùng và dự báo vai trò của địa phương trong thời kỳ tới./.

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây