1. Về hợp đồng làm việc
Thứ nhất, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ được áp dụng trong ba trường hợp theo khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25, Luật Viên chức hiện hành.
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ hai, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng làm việc xác định thời hạn là trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng. Trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức. Trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
2. Về nội dung đánh giá viên chức
Trước đây, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngoài những nội dung trên thì việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.
Đồng thời, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
3. Về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
Tại Điều 29, Luật hiện hành quy định có 05 trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức. Luật sửa đổi, bổ sung đã thêm 01 trường hợp tại điểm e, khoản 1, Điều 29 “Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự”
4. Về thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật
Thứ nhất, trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Thứ hai, thay đổi về trường hợp áp dụng thời hạn xử lý kỷ luật.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày (trước đây 02 tháng); trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày (trước đây là 04 tháng).
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không những đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức mà còn thu hút những lao động có trình độ cao; thể hiện sự công bằng trong việc thực hiện chế độ viên chức đối với người lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức góp phần xây dựng chế độ công vụ theo hướng vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa đất nước./.
Tác giả bài viết: phucdd
Ý kiến bạn đọc