Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Phần 1)

Thứ hai - 30/03/2020 23:59 124 212
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và chính thức có hiệu lực ngày 01/7/2020 với nhữngnội dung mới nổi bật nhưsau:
Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Phần 1)

1. Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức

Theo quy định hiện hành tại Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008, việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức thi tuyển, xét tuyển. Trong khi đó, khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, ngoài 02 hình thức tuyển dụng nêu trên người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:

- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Cán bộ, công chức cấp xã;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;

- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

2. Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc

Kết quả đánh giá cán bộ, công chức vẫn được phân loại thành 4 mức. Tuy nhiên, mức “hoàn thành nhiệm vụ” sẽ thay thế cho mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”.

Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

3. Cán bộ, công chức tham nhũng đương nhiên bị thôi việc

Cán bộ, công chức đương nhiên bị thôi việc trong 2 trường hợp:

- Bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo;

- Hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng.

Việc bổ sung thêm trường hợp bị kết án về tội phạm tham nhũng là nhằm thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng theo quy định tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Qua đó, giúp nâng cao tính nghiêm minh trong công tác phòng, chống tham nhũng.

4. Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưucó thể bị xóa tư cách chức vụ

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi lần này là bổ sung một hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Cụ thể, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm

Đặc biệt việc xử lý kỷ luật nêu trên gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.Ngoài ra, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020cũng được xử lý theo quy định của Luật này.

Quy định này nhằm thống nhất và đồng bộ với các văn bản khác như Quy định 102-QĐ/TW và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, loại bỏ hoàn toàn quan niệm “hạ cánh an toàn”.

5. Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức

Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật áp dụng với công chức là 24 tháng.Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là ít khi hành vi vi phạm để bị kỷ luật của công chức nhiều khi rất khó phát hiện, xử lý. Do đó, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cụ thể:

- 02 năm nếu bị kỷ luật khiển trách;

- 05 năm với các hành vi không thuộc trường hợp bị khiển trách.

Đặc biệt, Luật sửa đổi còn bổ sung 04 hành vi không áp dụng thời hiệu xử lý như: Cán bộ, công chức là Đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật khai trừ;

vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Tác giả bài viết: huytq

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây