Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Kim Kha chia sẻ thông tin thực trạng của Internet và mạng xã hội; một số vấn đề về nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Ngọc Thái phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; theo đó một số nội dung trọng tâm như:
Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân:
- Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
- Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
- Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
- Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
- Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
- Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
- Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước:
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước thực hiện nội dung quy định tới Điều 4 của Bộ Quy tắc này.
- Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
- Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước:
- Thực hiện nội dung quy định cho cơ quan, tổ chức nêu tại Điều 4 của Bộ Quy tắc này.
- Có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của cơ quan, tổ chức bị mất quyền kiểm soát hoặc bị giả mạo.
- Cung cấp thông tin trên mạng xã hội đồng bộ, thống nhất với thông tin đã được cung cấp trên các phương tiện truyền thông chính thống khác.
- Nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.
Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Huy Phúc – Trưởng phòng Thông tin Báo chí Xuất bản thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai, hướng dẫn một số quy định về quản lý và xử lý vi phạm trên lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội.
Hội nghị lần này cũng là dịp để các cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp theo dõi quản lý hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội do cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thiết lập trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận các vấn đề có liên quan lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội; đây là một trong những hoạt động tuyên truyền để góp phần tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Tác giả bài viết: Trần Kiên
Ý kiến bạn đọc