Phát biểu khai mạc Hội nghị, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Mục đích của Hội nghị là hướng dẫn phân tích, đánh giá và phân loại nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện dựa trên các thông tin rủi ro từ đó lập Kế hoạch ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Giáo sư Nguyễn Quốc Dũng và chuyên gia David Gonzalez giới thiệu 07 chuyên đề: (1) Khung quản lý an toàn đập hiện hành và giới thiệu phương pháp đánh giá an toàn dựa trên thông tin rủi ro; (2) Phân loại nguy cơ đập thủy điện dựa trên hậu quả; (3) Đánh giá Sàng lọc nhanh danh mục an toàn đập - Mức độ 1; (4) Đánh giá an toàn Bán định lượng - Mức độ 2; (5) Kiểm tra an toàn đập; (6) Đánh giá an toàn đập; (7) Lập kế hoạch ứng phó tình huống khẩn cấp.
Sau mỗi chuyên đề, các chủ đập, hồ chứa thủy điện, kỹ sư thủy điện đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, vận hành an toàn đập, các vướng mắc trong quá trình vận hành, cách xử lý các tình huống khi có nguy cơ gây mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện và đã được ông David Gonzalez là chuyên gia người Ấn Độ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý các tình trạng gây mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện trả lời thỏa đáng và thuyết phục. Đồng thời, trong quá trình trao đổi Giáo sư Nguyễn Quốc Dũng và chuyên gia David Gonzalez cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc tìm ra giải pháp khắc phục và hướng dẫn cách đánh giá an toàn đập dựa trên thông tin về rủi ro nhằm góp phần hạn chế tác hại không đáng có cho người dân vùng hạ du hồ chứa thủy điện. Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ độ rủi ro của các đập, hồ chứa đang tồn tại trong phạm vi các khu vực địa chấn cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự Hội nghị.
Công trình thủy điện Yaly
Kết thúc Hội nghị, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã tổ chức đi tham quan và học tập thực tế tại 02 công trình thủy điện Sesan 3 và thủy điện Yaly. Trong quá trình tham quan, kỹ sư thủy điện tại các nhà máy đã tận tình hướng dẫn đi tham quan cụm đầu mối hồ chứa, khu đặt các tuabin, phòng điều hành, các tổ máy phát điện…và Giáo sư Nguyễn Quốc Dũng cũng đã kết hợp giữa lý thuyết và thực tế để trao đổi, hướng dẫn cách giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong thực tế, giúp cho những người tham gia Hội nghị có thể hình dung rõ hơn về phương pháp đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện và sẽ vận dụng vào thực tế trong công tác quản lý của từng cơ quan, đơn vị./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc