Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Bình Định

Thứ hai - 12/08/2024 11:21 165 0
Chiều 09/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước, Dầu khí và than; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất Nhập khẩu, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ Công Thương,…cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Bình Định có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng; Lãnh đạo UBND tỉnh; và đại diện Lãnh đạo các sở, ngành.
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thứ 04/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ). Chỉ số SXCN 7 tháng đầu năm 2024 tăng 9,8% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo được định hướng là trụ cột phát triển chiếm tỷ trọng trên 85% và tăng 10,5%, cao hơn mức tăng chung, tiếp tục đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.205,5 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 60,3% kế hoạch năm (114.700 tỷ đồng); Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm (1.650 triệu USD).
Trong 7 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và Bình Định nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường… đã tác động trực tiếp đến hoạt động ngành Công Thương; sản xuất kinh doanh và xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro, giá cả chi phí đầu vào tăng cao, thị trường biến động… nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và quyết tâm nổ lực của các cấp các ngành nên kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị tham gia đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh. Đồng thời, đề xuất các giải pháp trọng tâm mà tỉnh cần chú trọng trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thời gian tới.
Đại diện Lãnh đạo tỉnh Bình Định bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng các thành viên trong đoàn công tác quan tâm, giải quyết các nội dung kiến nghị của tỉnh về lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và khoáng sản; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trên hoạt động hiệu quả trên bàn tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra trong năm 2024.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, những kết quả nêu trên là rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: (i) SXCN tuy có tăng về quy mô nhưng thiếu tính đột phá; chưa thu hút được các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính động lực, phát triển theo chuỗi để dẫn dắt các ngành kinh tế khác; chủ yếu vẫn là SXCN địa phương trong các ngành chế biến lâm sản (gỗ), dệt may, sản xuất VLXD. (ii) Hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, quy mô còn hạn chế. (iii) Kim ngach xuất khẩu còn nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,5% tổng kim ngạch XK cả nước; cơ cấu mặt hàng XK chủ yếu là hàng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp. (iv) Thiếu nhân lực chất lượng cao tại chỗ; lao động công nghiệp tại địa phương đa số vẫn là lao động phổ thông, trình độ và tay nghề thấp. (v) Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo động lực chính cho phát triển KT-XH của tỉnh.

huong2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra thời gian tới. Dưới góc độ ngành Công Thương, đề nghị Tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung:
Trước hết, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTXH năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: (i) Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; (ii) Các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; (iii) Đặc biệt là các chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện MTMN tự sản tự tiêu,... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung rà soát tháo gỡ các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động SXKD.
Cần chủ động rà soát lại tổng thể QH tỉnh, nếu cần thiết thì phải khẩn trương trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với QH tổng thể quốc gia, QH vùng và các QH ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung QH, KH sử dụng đất của địa phương, phù hợp với QH tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững nhằm xây dựng Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo của Vùng và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển Vùng; Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có tính nền tảng (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, hóa chất...). Chú trọng thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và hydrogen/amoniac xanh…), công nghiệp hỗ trợ liên quan nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bình Định cần chú trọng phát triển dịch vụ logistics phát huy lợi thế kinh tế biển, khai thác vị trí thuận lợi cũng như thế mạnh hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, phục vụ kết nối liên vùng và quốc tế; Chú trọng phát triển thương mại (cả truyền thống và hiện đại) với cơ cấu ngành hợp lý, nâng cao tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong GRDP của tỉnh, góp phần kết nối, dẫn dắt sản xuất theo nhu cầu thị trường và tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân; Đẩy mạnh phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử)

Tác giả bài viết: Phạm Thị Minh Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây