1. Về đối tượng là tổ chức bị xử phạt VPHC
Theo đó, một trong những điểm mới được quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP là quy định đối tượng chịu trách nhiệm và bị xử phạt VPHC trong trường hợp có liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức (khoản 4, Điều 3). Cụ thể như sau:
- Trường hợp: Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh VPHC trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt VPHC là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính (theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức).
- Trường hợp: Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng chịu trách nhiệm và bị xử phạt VPHC là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức).
2. Nguyên tắc xác định hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc (khoản 1, Điều 8)
Việc xác định hành vi VPHC đang thực hiện hoặc đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt VPHC được thực hiện theo nguyên tắc:
- Hành vi VPHC đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện VPHC.
- Hành vi VPHC đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện VPHC và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.
3. Việc xác định mức phạt tiền
Tại khoản 1, Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi VPHC cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc:
- Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
- Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
4. Về giao quyền xử phạt VPHC (khoản 2 và khoản 3, Điều 10)
- Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC như cấp trưởng.
- Trong thời gian giao quyền, những người có thẩm quyền VPHC quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xử lý VPHC vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC.
5. Về trình tự, thủ tục lập biên bản VPHC
- Thời hạn lập biên bản VPHC là: 02 ngày làm việc, kể từ khi phạt hiện hành vi VPHC.
- Về việc ký biên bản VPHC: đại diện chính quyền cấp xã ký vào biên bản VPHC và chỉ cần 01 người chứng kiến, đồng thời Nghị định giải thích rõ người chứng kiến chỉ chứng kiến về việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản.
6. Về trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt VPHC khi thi hành công vụ (khoản 1 Điều 27)
Theo đó, khi tiến hành xử phạt VPHC, người có thẩm quyền phải: có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt VPHC, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành.
Tác giả bài viết: Tôn Quốc Huy
Ý kiến bạn đọc