Một số yêu cầu về điều kiện an toàn của hệ thống kỹ thuật cấp điện và chiếu sáng bên trong công trình

Thứ tư - 09/10/2024 13:45 116 0

Ảnh minh họa nguồn Internet

Ảnh minh họa nguồn Internet
Nhằm thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Vừa qua, Sở Xây dựng đã phổ biến tài liệu tham khảo “Nâng cao điều kiện an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hữu” do Viện Khoa học công nghệ thuộc Bộ Xây dựng ban hành và TCVN 13967:2024 về Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế để các cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) nghiên cứu, tham khảo áp dụng. Trong đó có một số yêu cầu chính về hệ thống kỹ thuật cấp điện và chiếu sáng bên trong công trình, cụ thể:

* Đối với TCVN 13967:2024 về Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế:
Yêu cầu về cấp điện
1. Hệ thống đường dây dẫn điện cần được thiết kế độc lập với các hệ thống khác, dễ dàng thay thế, sửa chữa khi cần thiết, phù hợp với các yêu cầu trong TCVN 7447 và quy định về hệ thống điện.
2. Hệ thống điện cần được bảo vệ bằng các thiết bị bảo vệ mạch điện.
3. Tủ phân phối điện cần được:
- Bố trí tại vị trí phù hợp với đường cấp điện vào nhà, bảo đảm mỹ quan, an toàn và thuận tiện khi cần sửa chữa và thay thế;
- Làm bằng vật liệu phù hợp với tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng, có kích cỡ phù hợp với các loại mạch điện.
4. Dây (cáp) điện trong nhà nên đi ngầm trong tường, sàn. Trường hợp dây điện đi nổi trên bề mặt tường, trần nhà nên được đặt trong ống gen, máng cáp. Hạn chế bố trí dây (cáp) điện tiếp giáp với thiết bị, vật dụng dễ cháy, nổ. Trường hợp bố trí tiếp giáp phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy.
5. Các dây (cáp) cấp điện cho các thiết bị điện sử dụng cho mục đích khác cần được:
- Tách biệt với các dây (cáp) cấp điện cho các thiết bị điện sử dụng cho mục đích để ở;
- Bảo đảm đúng công suất tiêu thụ của các thiết bị điện;
- Bảo vệ bằng các thiết bị đóng ngắt riêng cho từng dây (cáp), từng tầng và từng thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn (ví dụ như bình đun nước nóng, máy điều hòa không khí, bếp từ, v.v.).
Yêu cầu về chiếu sáng
1. Cần triệt để tận dụng chiếu sáng tự nhiên, khuyến khích sử dụng thiết bị và áp dụng các biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng.
2. Khi thiếu hoặc không có chiếu sáng tự nhiên thì chiếu sáng nhân tạo phải đủ bảo đảm mọi hoạt động bình thường của người sử dụng.
3. Khuyến khích bố trí chiếu sáng khẩn cấp trên đường thoát nạn theo quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe.
4. Yêu cầu về độ rọi duy trì tối thiểu tại các khu vực cần tuân thủ quy định.
5. Khuyến khích sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh.
* Đối với Tài liệu tham khảo “Nâng cao điều kiện an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hữu” do Viện Khoa học công nghệ thuộc Bộ Xây dựng ban hành đã đưa ra các nhóm giải pháp chung về sạc xe điện và sử dụng điện có thể tham khảo áp dụng.

Đối tượng, nội dung

Nhóm giải pháp chung có thể tham khảo áp dụng

Đối với việc sạc xe điện đặt tại các khu vực để xe trong nhà, công trình

- Về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan:
+ Các tủ điện, thiết bị điều khiển và cấp nguồn cho trạm sạc phải có tính toán chứng minh về công suất phục vụ, được ngăn cách với khu vực có nguồn lửa, nguồn nhiệt bằng vách, màn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không thấp hơn  EI 45 (theo QCVN 06: 2022/BXD).
+ Bố trí vị trí sạc cho xe điện ngăn cách với khu vực để xe sử dụng động cơ khác (ngăn cách bằng hành lang, lối đi hoặc không gian trống không có tải trọng cháy...)
+ Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
- Trong quá trình sạc điện phải có người thường trực và thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; khuyến cáo không nên sạc điện qua đêm; cần bố trị cầu dao điện, áptômat, cầu chì... tại tủ điện cấp nguồn để sạc cho xe điện bảo đảm đóng cắt được cả tự động và bằng tay khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
- Về trang bị phương tiện PCCC phải phù hợp với yêu cầu trang bị của nhà và công trình tại TCVN 3890: 2023. Lưu ý trang bị, bố trí các phương tiện chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy xe đẩy, bình chữa cháy tự động kích hoạt...) tại các vị trí bảo đảm thuận tiện thao tác trong quá trình chữa cháy.     

Đối tượng, nội dung

Nhóm giải pháp chung có thể tham khảo áp dụng

Một số yêu cầu trong quá trình hoạt động

- Đối với sử dụng điện:
+ Có thuyết minh, tính toán công suất của mạng điện trong nhà phù hợp với nhu cầu tiêu thụ theo các tiêu chuẩn được phép áp dụng.
+ Bảo đảm duy trì nguồn điện cấp cho hệ thống PCCC khi xảy ra cháy, nổ. Cần bố trị cầu dao điện, áptômat, cầu chì, rơle... làm thiết bị đóng cắt nguồn điện tại phòng có người trực bảo đảm ngắt điện khi có sự cố cháy, nổ (ngắt nguồn điện sinh hoạt khi có sự cố cháy)
+ Chủ cơ sở, chủ căn hộ thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh đối với các thiết bị điện có nguy cơ cháy nổ cao như: điều hòa, bình nóng lạnh, mawsy giặt, lò sưởi... Không để các đồ dùng, vật dụng, chất dễ cháy gần các thiết bị này.
- Tất cả người trong nhà phải được huấn luyện kỹ năng về PCCC và thoát nạn, lánh nạn khi có cháy (biết cách sử dụng thang dây, mặt nạ, sử dụng bình chữa cháy...)
- Đối với nhân viên bảo vệ, cần bảo đảm nhanh nhẹn, có đủ sức khỏe và được tập luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn cứu hộ để kịp thời phát hiện và xử lý tình huống cháy ngay từ sớm.  

 

Tác giả bài viết: Trần Thúc Kham

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây