Phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện mới

Chủ nhật - 31/10/2021 10:20 596 0
Đại dịch COVID-19 hiện nay đã và đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp và đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng nên các đợt dịch COVID-19 xuất hiện tại các địa phương đã mang lại nhiều tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế- xã hội đất nước, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục; khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...
cover1
cover1

Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt. Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh khiến các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được phục hồi; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức tài chính thế giới đánh giá là quốc gia Đông Nam Á vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong khu vực.

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã góp phần quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đã mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, nhằm giúp đất nước nhanh chóng khôi phục kinh tế sau khủng hoảng COVID-19, cần tăng cường hỗ trợ để phát triển khu vực KTTN bởi đây là khu vực chịu ảnh hưởng khá nặng nề do khủng hoảng.

Bài học từ dịch COVID-19 có thể tạo ra nhận thức mới, xu hướng mới về sản xuất kinh doanh, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,... tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu; đem lại cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa.

Khủng hoảng COVID-19 đặt ra thách thức nhưng cũng đồng thời mang lại cơ hội mà các doanh nghiệp cần tận dụng để thay đổi và phát triển.Do đó, việc đánh giá những tác động mà dịch COVID-19 mang lại cho phát triển kinh tế tư nhân là vô cùng cần thiết, giúp đánh giá tình hình có nhiều biến động này, nhận diện và tận dụng những cơ hội thuận lợi và chủ động giải quyết những thách thức nhằm đưa ra các quyết định chính sách hiệu quả hơn về cách thức giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đồng thời hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Cơ hộiđối với kinh tế tư nhân

Thứ nhất,đại dịch đã khiến một số ngành nghề kinh doanh mới xuất hiện, đặc biệt là những ngành liên quan tới chuyển đổi số, các doanh nghiệp đã hướng tới áp dụng các nền tảng số để ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó một số đã đầu tư vào các giải pháp số hóa hoặc làm mới/nâng cấp danh mục sản phẩm của mình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trong ngành dịch vụ có tỷ lệ áp dụng nền tảng số cao hơn các doanh nghiệp còn lại. Nhiều ngành, lĩnh vực (như y tế, giáo dục, bán lẻ, v.v.) đã tận dụng các sáng kiến, ứng dụng kinh tế số như nền tảng học từ xa, khám bệnh từ xa, làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, v.v. ngay từ trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Thứ hai,các chính sách giãn cách xã hội kết hợp với sự phát triển của công nghệ số trong giai đoạn đại dịchđã kéo theo sự phát triển của các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp và thương mại điệntử. Xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Việc chuyển đổi này vừa giúp doanh nghiệp thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội, vừa giúp họ tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng vốn khá đắt đỏ ở các thành phố lớn, giảm chi phí thuê nhân công bán hàng, chi phí lưu kho…, trong khi lại có thể giữ khách hàng, tăng thêm khách hàng mới, mở rộng mặt hàng kinh doanh và cá nhân hóa các dịch vụ cho từng khách hàng.

Thứ ba,phát triển các ngành nghề liên quan đến sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế. Những sản phẩm như vật tư, thiết bị y tế... của Việt Nam hoàn toàn có thể là một nhóm mặt hàng đủ sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vingroup đã cho sản xuất máy thở để bắt kịp nhu cầu thị trường là một minh chứng rõ ràng cho thấy sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, việc phát triển các ngành nghề liên quan đến sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế là vô cùng cần thiết

Thứ tư,nhờ đại dịch, nhiều quốc gia đã nhìn nhận lại sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khi xảy ra sự cố, điều có thể khiến Việt Nam hứa hẹn là thị trường tiềm năng. Từ trước nay Mỹ và châu Âu có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn và đa số hàng hóa được nhập từ Trung Quốc. Dịch bệnh bùng nổ dẫn tới nhu cầu nhập khẩu giảm và xu hướng muốn tìm những đối tác cung ứng vừa tầm hơn, và điều này phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam. Điều này đặt ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nếu đáp ứng được chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn cao của các thị trường này.

Thứ năm,sự quyết đoán, kịp thời của Chính phủ đã giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh và cũng là cách để cứu doanh nghiệp khỏi khủng hoảng và nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt các đối tác quốc tế, làm tăng độ tin cậy của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.Điều này mang lại lợi thế chiến lược cho Việt Nam, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. 

Thách thứcđối với kinh tế tư nhân

Với tình hình dịch bệnh phức tạp ở khắp nơi trên thế giới, dịch bệnh chưa được khống chế tại một số thị trường lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam như Mỹ và EU. Mặc dù cuộc sống tại Việt Nam đã trở lại trạng thái bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế đang dần phục hồi, nhưng do đặc thù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu, do vậy nhiều ngành dịch vụ và sản xuất xuất khẩu còn gặp khó khăn lâu dài khi các quốc gia khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta vẫn chưa thể tuyên bố nền kinh tế trở lại bình thường và chưa sẵn sàng để nhập hàng hóa trở lại, dẫn đến việc giãn, hoãn, hủy đơn hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sản lượng.

Do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc nên dịch bệnh và các biện pháp hạn chế đi lại gây nên đứt gẫy chuỗi cung cấp đầu vào nhập khẩu. Những ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu đến từ các quốc gia trên cũng là những ngành công nghiệp chủ lực, tạo nhiều việc làm hiện nay của Việt Nam như điện tử, dệt may, da-giày-túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô… Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.

Dịch bệnh vẫn còn bùng phát tại các quốc gia còn đồng nghĩa với việc hạn chế đi lại của chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động tay nghề cao tới Việt Nam. Mặc dù đã có thời gian Chính phủ đã đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế để đón người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn đang bị tạm dừng lại chưa rõ thời gian tiếp tục tiến hành.

Các hạn chế đi lại, tăng cường kiểm dịch còn khiến ngành du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành) sụt giảm mạnh. Những hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ nhiều lễ hội, cũng khiến nhu cầu du lịch trong nước suy giảm. Điều này cũng kéo theo những thiệt hại cho các hãng hàng không, nhiều khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa.

Xu hướng chuyển đổi số mặc dù là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nhưng cũng lại là thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống. Do đặc điểm của khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ gia đình mà phần lớn chỉ tham gia các hoạt động giản đơn như sản xuất các sản phẩm thủ công, thương mại, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng tại địa phương. Quy mô nhỏ và sự thiếu cả nguồn lực lẫn sự liên kết và hỗ trợ khiến những doanh nghiệp này khó có thể chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong đại dịch nhằmtăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam (doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) có thể sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp

Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu nên trong tất cả các kịch bản mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại, doanh nghiệp rất nên xây dựng một quy trình sản xuất an toàn, trong đó đã tính toán tới các kịch bản nếu như dịch bệnh quay trở lại.

Thời điểm này cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Đồng thời, một số chính sách hội nhập quốc tế như các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khủng hoảng là cú hích để doanh nghiệp thay đổi, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó tạo ra đột phá trong công nghệ, phương pháp quản lý và quy trình sản xuất. Sự hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu mới, và xu hướng lấy sản xuất trong nước làm chủ đạo sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh nếu muốn giữ vững vị thế.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đây là thời điểm nên nhìn về thị trường nội địa và tìm thêm các thị trường thứ cấp/thị trường thay thế để đa dạng hóa nguồn cầu. Doanh nghiệp cũng nên tận dụng thời điểm hiện nay để cấu trúc lại hoạt động, cơ cấu vốn, tài chính, quản trị, bộ máy và nhân sự. Các vấn đề chính cần lưu tâm là tìm cách chủ động về nguồn nguyên vật liệu, tối ưu hóa chi phí đầu vào, đàm phán lại với các đối tác về giá, định hình lại thị trường, tìm kiếm và tiếp cận các phân khúc thị trường mới.

 Các doanh nghiệp truyền thống cần chuyển đổi hoặc hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ truyền thông và hệ sinh thái để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến người tiêu dùng

Các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch cần chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương thức đầu tư, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đạt chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng du lịch mới hậu COVID-19, hướng tới các sản phẩm du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng đến các điểm đến an toàn với nhiều trải nhiệm cho khách du lịch.

(nguồn Bộ Kế hoạch & Đầu tư)


Võ Tuấn Anh  (  Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp  )

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây