Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Triển vọng đối với chính trị và kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ tư - 16/11/2022 16:00 1.960 0

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Triển vọng đối với chính trị và kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15 / 11/ 2020, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á
Kể từ khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại - đầu tư trong và ngoài khu vực Đông Nam Á cũng như Đông Á. Việc RCEP có hiệu lực sẽ tạo động lực mới cho xu hướng hợp tác khu vực và nâng cao vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tác động địa - chính trị của RCEP đối với khu vực châu Á - TBD
Là thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới, RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN với thị trường khoảng 2,28 tỷ người, chiếm 29,4% dân số thế giới. Tính đến năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này đạt 25.900 tỷ USD, chiếm 30,6% GDP thế giới. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, RCEP được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng có thể tác động đến cục diện khu vực và thế giới. Mặc dù RCEP có nhiều hạn chế về tiêu chuẩn so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và khó có thể thay đổi nguyên tắc cũng như mô hình thương mại khu vực, song với tư cách là một hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực lớn, RCEP vẫn có những tác động địa - chính trị nhất định đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ nhất, RCEP và CPTPP - hai FTA lớn trong khu vực không có sự tham gia của Mỹ - sẽ tạo ra áp lực khiến Mỹ phải tính đến việc quay trở lại tham gia vào nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, hiện nay là CPTPP), Mỹ luôn đứng ngoài khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. RCEP có hiệu lực đúng vào thời điểm chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn hỗ trợ ngành sản xuất của Mỹ. Tuy nhiên, RCEP không chỉ khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía các quốc gia thành viên và làm giảm thị phần của Mỹ trong thị trường khu vực RCEP, mà còn có thể buộc các doanh nghiệp Mỹ phải xây dựng cơ sở sản xuất ngay trong khu vực RCEP để được hưởng ưu đãi trên thị trường. Ngoài ra, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua các công cụ như Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) và Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) cũng gây áp lực không nhỏ buộc Mỹ phải xem xét lại vấn đề quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, mặc dù RCEP nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn nhất tham gia Hiệp định, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực. Khi Ấn Độ rút khỏi RCEP và Mỹ rút khỏi TPP, RCEP mang lại cho Trung Quốc một số lợi thế đáng kể trong thế cân bằng chiến lược ở châu Á. Mặc dù vẫn cần có thời gian để quan sát và xác định tác động của RCEP sau khi có hiệu lực, nhưng hiệp định này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc mở cửa đối với các nước ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác, đồng thời sẵn sàng tham gia hợp tác khu vực cũng như triển khai hợp tác với các quốc gia đang phát triển.
Thứ ba, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, nhất là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược ngoại giao của các quốc gia thành viên RCEP và vai trò trung tâm của ASEAN. Một mặt, nhiều thành viên RCEP là đồng minh hoặc đối tác thân cận của Mỹ sẽ vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ để có được sự bảo đảm an ninh ở khu vực. Do đó, nếu không thể tham gia hiệu quả vào hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức độ mong muốn, Mỹ vẫn có thể tiếp tục tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Mặt khác, nhiều nước thành viên RCEP cũng là đối tác quan trọng của BRI và duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Dù ASEAN không muốn rơi vào tình thế phải “chọn bên”, nhưng trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng cạnh tranh thì chiến lược cân bằng nước lớn của ASEAN vẫn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chính sách của hai cường quốc này. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, khi cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc đạt đến một mức độ nhất định, áp lực “chọn bên” của ASEAN cũng sẽ gia tăng. Nói cách khác, vai trò của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt có khả năng bị suy giảm trước những cơ chế mới do chịu sự chi phối của các nước lớn.
Việc RCEP chính thức có hiệu lực được xem là dấu hiệu cho thấy ASEAN đã duy trì thành công vai trò trung tâm và sẽ có tác động nhất định đến mô hình hợp tác khu vực. Tuy nhiên, xem xét các động thái địa - chính trị hiện nay, có thể nói vai trò trung tâm của ASEAN đang chịu nhiều tác động. Mỹ tích cực thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cơ chế Đối thoại bốn bên và Liên minh an ninh Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) để mở đường cho sự quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương và thiết lập cấu trúc khu vực lấy Mỹ làm trung tâm.
Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực cũng tạo ra những rủi ro nhất định đối với cấu trúc an ninh khu vực, do các nước trong khu vực ngày càng phụ thuộc hơn vào nền kinh tế Trung Quốc. Xét từ góc độ của ASEAN, các nước thành viên riêng lẻ đã phát huy vai trò ngày càng quan trọng của mình trong các cuộc đàm phán RCEP. Trước và sau khi đảm nhậm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018, Singapore đã thể hiện sự quan tâm và tham vọng của mình trong các cuộc đàm phán RCEP.

RCEP - động lực mới của thương mại khu vực và toàn cầu
Sau khi có hiệu lực, RCEP sẽ thúc đẩy thương mại - đầu tư trong và ngoài khu vực, do đó có tác động nhất định đến các quốc gia thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thậm chí là cả nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, việc RCEP có hiệu lực cũng được cho là sẽ góp phần làm giảm bớt tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế khu vực. Theo báo cáo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, tất cả các quốc gia thành viên sẽ được hưởng lợi từ hiệp định thương mại khổng lồ này. Cho dù cuộc chiến thương mại đang diễn ra, nhưng đến năm 2030, RCEP vẫn có thể giúp doanh thu thế giới tăng 209 tỷ USD và thương mại thế giới tăng 500 tỷ USD. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP. Bên cạnh đó, chính sách thương mại của Trung Quốc sẽ giúp doanh thu nước này tăng 100 tỷ USD, đồng thời tác động tích cực đến xuất khẩu nguyên liệu thô, công nghiệp nhẹ, sản xuất chế tạo tiên tiến, dịch vụ trong nước và dịch vụ thương mại.
CEP đề cập đến mọi lĩnh vực, bao gồm các vấn đề thương mại và phi thương mại, như thương mại hàng hóa, quy tắc nguồn gốc xuất xứ, thủ tục hải quan, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ. Mục tiêu của Hiệp định RCEP là thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại trong khu vực. Trong đó, tác động thương mại của việc cắt giảm thuế quan đã thu hút sự quan tâm lớn của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đó là bởi trong các FTA, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế quan thường dễ nhận biết và dễ đo lường nhất. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ RCEP không quá lớn, bởi ngoại trừ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các quốc gia thành viên khác đều đã ký kết các FTA với nhau trước khi đạt được RCEP. Đơn cử như, tỷ lệ các mặt hàng có thuế suất bằng 0 theo thỏa thuận giữa ASEAN và các nền kinh tế khác lên tới 90%. Ngoài ra, các quốc gia thành viên RCEP có thể nâng cao mức độ tự do hóa thương mại thông qua CPTPP. Do đó, mặc dù RCEP vẫn còn không gian để cắt giảm thuế quan, nhưng việc tự do hóa thương mại và đầu tư bằng biện pháp cắt giảm thuế quan không còn là vấn đề quá quan trọng đối với các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về định hướng thương mại và một số nước thành viên RCEP cũng đã ký kết các FTA với nhau, nên các nước thành viên RCEP cũng sẽ chịu ảnh hưởng kinh tế khác nhau từ việc cắt giảm thuế quan theo hiệp định này.      
RCEP có ý nghĩa nhất định bởi đây là hiệp định thương mại tự do khu vực đầu tiên có sự tham gia của cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước khi đạt được RCEP, Nhật Bản vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại tự do nào với Trung Quổc và Hàn Quốc, cho dù là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Xét từ góc độ cắt giảm thuế quan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Theo cam kết của RCEP, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Trung Quốc đối với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đạt 86%, trong khi tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Nhật Bản và Hàn Quốc đối với Trung Quốc sẽ lần lượt là 88% và 86%. Những tỷ lệ này mặc dù thấp hơn so với các quốc gia thành viên khác, song vẫn có thể mang lại thêm nhiều cơ hội thương mại cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời góp phần củng cố quan hệ kinh tế giữa ba nước, tạo nền tảng và động lực cho đàm phán về việc xây dựng khu vực thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc. Bên cạnh đó, mặc dù RCEP có thể khiến các quốc gia ASEAN chuyển hướng nhập khẩu sang các nước có năng lực sản xuất cao hơn, nhưng hiệp định này cũng sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của ASEAN và khiến các nước thành viên của khối có nguy cơ phải chịu thiệt hại ở những mức độ khác nhau trong lĩnh vực xuất khẩu. RCEP sẽ làm giảm 6% kim ngạch thương mại của ASEAN so với các nước khác.
Trong bối cảnh đó, RCEP vẫn được cho là một hiệp định có ảnh hưởng lớn đối với cấu trúc kinh tế khu vực, bởi thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của các nước thành viên. Trên thực tế, ngoài vấn đề cắt giảm thuế quan, những cải cách thương mại khác của RCEP, như mở rộng thương mại dịch vụ một cách phù hợp, phối hợp các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong khu vực và đơn giản hóa thủ tục hải quan, cũng sẽ thúc đẩy gia tăng thương mại trong và ngoài khu vực, qua đó các quốc gia thành viên cũng sẽ tìm thấy ở RCEP những yếu tố mới để có thể tạo động lực và mở rộng hợp tác khu vực.

Tác động của RCEP đối với vai trò trung tâm của ASEAN
Thứ nhất, xét về góc độ kinh tế, RCEP là FTA đầu tiên bao gồm cả những quốc gia không giữ vai trò chủ đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và có lợi cho tất cả các bên trên cơ sở duy trì vai trò trung tâm của ASEAN - một trung tâm kết nối với các nền kinh tế lớn toàn cầu. Đây là lý do ASEAN luôn tích cực và chủ động tham gia các cam kết trong tiến trình RCEP nhằm tranh thủ vị thế cân bằng của mình để tối đa hóa lợi ích của khối. Thực tế, RCEP có thể mang lại những lợi ích kinh tế to lớn hơn cho ASEAN bởi hợp tác kinh tế nội khối ASEAN vẫn cần có sự hợp tác bên ngoài khu vực và RCEP chính là cầu nối cần thiết để hiện thực hóa mô hình hợp tác trọn vẹn này của ASEAN. Việc thu hút vốn nước ngoài và bảo đảm thị trường xuất khẩu vẫn là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế nội khối của ASEAN. Do đó, ASEAN cần thiết lập một khuôn khổ lớn hơn để bao trùm cả hợp tác khu vực Đông Á và các FTA nhằm tối đa hóa nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN cũng như thị trường xuất khẩu của ASEAN.
Thứ hai, xét về góc độ chính trị, RCEP và vai trò trung tâm của ASEAN có mối quan hệ tương hỗ, bổ sung lẫn nhau. Nếu không có vai trò trung tâm của ASEAN thì RCEP sẽ khó mang tính khả thi, bởi việc ASEAN giữ vai trò trung tâm là điều kiện tiên quyết để các thỏa thuận đa phương trong khu vực có được sự ủng hộ của các nước trong và ngoài ASEAN. Mặt khác, ASEAN cần RCEP bởi hiệp định này giúp duy trì mô hình hợp tác đa phương mà trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm. Theo đó, RCEP là con đường giúp ASEAN vừa hội nhập sâu rộng Đông Á, vừa giữ vai trò trung tâm của mình. Thực tế, kể từ khi thành lập vào năm 1967, ASEAN không ngừng tăng cường hội nhập nội khối và cam kết xây dựng cộng đồng chung ASEAN, tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác sâu rộng ở khu vực Đông Á. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, ASEAN càng nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác khu vực. Điều này đã mở ra tiến trình hợp tác khu vực Đông Á và từng bước dẫn tới các sáng kiến hợp tác Đông Á, như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và mô hình hợp tác “10+” trên cơ sở Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) lấy ASEAN làm trung tâm. Tuy nhiên, mô hình hợp tác mà trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo đã bắt đầu phải cạnh tranh với nhiều khuôn khổ, mô hình hợp tác khác và thông qua RCEP, ASEAN hy vọng có thể duy trì và củng cố vai trò trung tâm của mình ở khu vực.
Thứ ba, tình hình an ninh bất ổn ở Đông Á và cạnh tranh nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã buộc ASEAN phải có những lựa chọn để bảo đảm lợi ích của mình. Mặc dù ASEAN bao gồm nhiều nền kinh tế mới nổi, chú trọng xuất khẩu và “dễ tổn thương” trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực, nhưng có thể thấy rằng, so với các nền kinh tế khác trên thế giới thì kinh tế ASEAN và châu Á phục hồi nhanh hơn sau mỗi cuộc khủng hoảng tài chính. Vai trò chủ đạo của ASEAN trong RCEP phần nào bắt nguồn từ sự cạnh tranh giữa hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, RCEP trở thành lựa chọn hợp lý nhất để ASEAN duy trì vị thế trung tâm của mình như một điểm tựa cân bằng giữa các nước lớn, bởi các bên tham gia đàm phán RCEP cũng công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực mới nổi.
Trước đây, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa đạt được một FTA nào trong khuôn khổ hợp tác khu vực Đông Á truyền thống. Cho đến nay, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính và CPTPP, Trung Quốc và Nhật Bản đều lần lượt đề xuất các FTA mới quy mô lớn ở Đông Á. Điều này có thể thách thức vị thế trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Thứ tư, việc Trung Quốc tham gia RCEP có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN bởi Trung Quốc luôn nhấn mạnh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Các nước Đông Nam Á là đối tác ngoại giao trọng điểm trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Việc ủng hộ và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa tích cực đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã chủ động tham gia quá trình đàm phán RCEP và là nước đầu tiên trong số 15 quốc gia thành viên hoàn tất quá trình phê chuẩn. Với xu thế hiện nay, trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dần chuyển dịch sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tính ổn định của ASEAN với tư cách là chủ thể thúc đẩy hội nhập Đông Nam Á có liên quan mật thiết đến sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Do đó, Trung Quốc có cơ sở để coi trọng vị thế quan trọng của ASEAN đối với sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí là đối với cả nền kinh tế toàn cầu.
Đối với cơ chế khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, Trung Quốc không chỉ thay đổi thái độ từ thận trọng sang tích cực tham gia, mà còn nhiều lần khẳng định sự ủng hộ của mình đối với hợp tác khu vực, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Ngày 22-11-2021, tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Kiên định ủng hộ khối đoàn kết ASEAN và xây dựng cộng đồng chung ASEAN, kiên định ủng hộ địa vị trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, kiên định ủng hộ ASEAN phát huy vai trò lớn hơn nữa trong các vấn đề khu vực và quốc tế”. Ngoài ra, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vị trí chủ đạo của ASEAN cũng nhằm truyền tải thông điệp Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng RCEP vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á, trở thành cơ chế hợp tác có ý nghĩa vượt qua phạm vi kinh tế, giảm bớt sự nghi kỵ giữa các nước trên tinh thần đối thoại vì lợi ích chung của tất cả các bên. RCEP cũng là minh chứng cho sự phát triển của xu hướng tăng cường hợp tác và liên kết khu vực mang tính ổn định, cân bằng của ASEAN trong khuôn khổ RCEP nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Sưu tầm (nguồn TCCS)

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây