Thông tư này quy định về phát triển dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà và hợp đồng mua bán điện mẫu để áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Theo đó, Dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại (hoàn thành các thử nghiệm ban đầu đối với toàn bộ hoặc một phần công trình theo quy đinh; đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện; Bên bán điện và Bên mua điện chốt chỉ số công tơ để bắt đầu thanh toán) của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện quy định tại Phụ lục của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủvề cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 13).
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, nếu Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì giá mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Quyết định số 13. Bên mua điện không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì Bên bán điện và Bên mua điện tự thỏa thuận về giá mua bán điện.
Về trình tự thực hiện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, Thông tư này quy định chi tiết hơn so với Thông tư quy định trước đây, cụ thể: Bên bán điện đăng ký đấu nối với bên mua điện các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất (không quá 1 MW và 1,25 MWp), đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến; Bên mua điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện đăng ký đấu nối lên hệ thống lưới điện của Bên mua điện. Thời hạn trả lời không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày Bên mua điện nhận được đăng ký của Bên bán điện; Bên bán điện và Bên mua điện thực hiện thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện vào hệ thống lưới điện của Bên mua điện…; Bên bán điện thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô phù hợp với nội dung đã đăng ký; Bên bán điện gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà bao gồm văn bản đề nghị bán điện, tài liệu kỹ thuật về tấm quang điện mặt trời, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều (bộ nghịch lưu); đường dây tải điện, máy biến áp (nếu có); giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng thiết bị (bản sao y); Các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện, đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành. Thời hạn bên mua điện ký hợp đồng là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của Bên bán điện; Tùy thuộc điều kiện cụ thể và yêu cầu kỹ thuật của từng hệ thống điện mặt trời mái nhà, Bên bán điện và Bên mua điện thống nhất trình tự thực hiện tuần tự hoặc kết hợp đồng thời với các hạng mục, công việc.
Đặc biệt, Thông tư quy định Bên bán điện phải đảm bảo bộ nghịch lưu có chức năng cắt hòa lưới điện khi lưới điện của Bên mua điện không có điện, chống khả năng can thiệp, chiếm quyền giám sát hoạt động, vận hành từ các yếu tố bên ngoài và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật về chất lượng điện năng. Hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Ngoài ra, Thông tư còn quy định nội dung của hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2020. Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 và Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực./.
Chi tiết Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương xem tại đây.
Tác giả bài viết: sangnn
Ý kiến bạn đọc