Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), hiện nay, cả nước chỉ có 21 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh đa cấp đang hoạt động, giảm 12 doanh nghiệp so với đầu năm 2019. Điều này cho thấy, hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định, không còn các vụ việc có hậu quả nghiêm trọng như trước đây.
Một loạt tên như: BBI, My Aladdinz, Atomy, Greenleaf, Dự án Hoàng gia, Vital4u, FutureNet, Vision… thời gian vừa qua đã bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho vào "danh sách đen" vì có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép hoặc kinh doanh đa cấp tiền ảo. Điểm chung mà các dự án có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép thường thấy đó là những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này đều hướng về việc những nhà đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, những người làm cách mạng trong thời đại mới và thúc giục cần nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án.
"Nhiều dự án quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng" - đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Thời gian gần đây đã xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án kinh doanh có dấu hiệu hoạt động đầu tư theo mô hình đa cấp với nhiều chiêu trò lừa đảo trên nền tảng thương mại điện tử. Những mô hình, dự án này thường núp dưới danh nghĩa như là "sân chơi" của những "bạn trẻ khởi nghiệp", của những "doanh nhân" muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua mô hình tiếp thị liên kết. Thực chất công việc của họ chỉ là tuyển cộng tác viên, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền để lên cấp bậc theo mô hình kinh doanh đa cấp.
Nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với mô hình bán hàng đa cấp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, từ ngày 15/10/2020, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi như: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó...
Đặc biệt, nghị định còn nêu rõ phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Nghị định cũng quy định các mức phạt từ 3-20 triệu đồng tùy vào mức độ, hành vi vi phạm của người tham gia bán hàng đa cấp...
(Nguồn: Báo Công Thương)
Tác giả bài viết: tuyetta
Ý kiến bạn đọc