Quy định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Chủ nhật - 08/11/2020 23:59 201 30
Ngày 7/10/2020, Thủ trướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.
Quy định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Về nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, nghị định nêu rõ:

- Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định này (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành); một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới (kể cả trường hợp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) phải tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập

Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định 5 điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:

- Phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước.

- Đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập các đơn vị này thì số lượng người làm việc là viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập.

- Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định điều kiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:

- Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

- Không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

- Việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau: Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước; Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền; Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm quyền và trách nhiệm thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập sau:  Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sau đây gọi chung là sở), Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục và tương đương thuộc sở; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) và đơn vị sự nghiệp công lập khác theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, cơ quan, tổ chức đã gửi đề án, tờ trình đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 01/12/2020, nhưng chưa được cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì phải rà soát, hoàn chỉnh lại Đề án cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và gửi lại Đề án đã chỉnh sửa cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ra quyết định thành lập theo quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập trước ngày 01/12/2020, các đơn vị không đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu phải tổ chức lại trước ngày 31/3/2021. Các đơn vị có số lượng cấp phó nhiều hơn số lượng cấp phó thì trong thời hạn 12 tháng phải sắp xếp số lượng cấp phó của đơn vị theo đúng quy định của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2020, thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ tổ chức bộ máy và Hội đồng quản lý quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tác giả bài viết: thyhb

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây