XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU MẬT ONG RỪNG AN LÃO

Thứ sáu - 30/12/2016 23:59 552 286
Từ lâu đời, mật ong rừng ở huyện miền núi An Lão đã trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương này được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, bởi lẻ đây là loại mật ong chính hiệu được khai thác từ những khu rừng nguyên sinh, không pha lẫn bất cứ tạp chất nào. Theo thống kê sơ bộ, hàng năm người dân ở An Lão đã khai thác hơn 2.000 lít mật ong các loại… Mới đây, UBND huyện An Lão đã tổ chức hội thảo và quyết định xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm “Mật ong rừng An Lão”….
Vắt, sang chiếc mật ong rừng An Lão
Vắt, sang chiếc mật ong rừng An Lão

Xây dựng nhãn hiệu

Ông Huỳnh Minh Thắng -Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện An Lão cho biết: “UBND huyện An Lão đã thống nhất cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện sử dụng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2016 theo Nghị quyết 30a/2008/QĐ-CP để tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mật ong rừng An Lão, đồng thời ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng An Lão” trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “ mật ong rừng An Lão”. Việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng An Lão” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong khai thác, chế biến và kinh doanh mật ong có xuất xứ từ huyện An Lão, tỉnh Bình Định, từng bước làm cho sản phẩm “Mật ong rừng An Lão” trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường”.

Theo Quy chế  quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng An Lão” do UBND huyện An Lão ban hành thì nhãn hiệu “Mật ong rừng An Lão” là nhãn hiệu được đăng ký độc quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, được áp dụng đối với các cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng An Lão”. UBND huyện An Lão là chủ sở hữu nhãn hiệu “Mật ong rừng An Lão”. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện An Lão là cơ quan được giao trực tiếp quản lý nhãn hiệu và được thực thi nhiệm vụ đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Mật ong rừng An Lão” tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đồng thời quản lý, kiểm soát, sử dụng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh mật ong có xuất xứ từ huyện An Lão, tỉnh Bình Định thực hiện nghiêm ngặt và đầy đủ các yêu cầu về đặc tính, chất lượng và quy trình khai thác, chế biến sản phẩm mật ong rừng An Lão trong suốt quá trình sản xuất và lưu thông sẽ được cơ quan quản lý xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Mật ong rừng An Lão”. Các hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong rừng An Lão” sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “ Mật ong rừng An Lão”, huyện An Lão cũng đã ban hành Quy trình khai thác và chế biến mật ong trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm của mật ong rừng An Lão, góp phần gìn giữ và phát triển danh tiếng, giá trị, hình ảnh thương hiệu cho đặc sản truyền thống của huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định.

Quy trình khai thác và chế biến

Quy trình khai thác và chế biến mật ong rừng ở An Lão có nhiều công đoạn khá công phu và phức tạp, tuy nhiên để sản phẩm mật ong rừng đạt tiêu chuẩn và chất lượng, thông thường người đi khai thác mật ong rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt một số bước khá quan trọng.

Vắt, sang chiếc mật ong rừng An Lão

Vào khoảng tháng 2, tháng 3 ( Âm lịch) hàng năm là mùa ong rừng xây tổ, kết mật. Đây là thời vụ mà nhiều người dân ở An Lão tạm gác việc nhà để vào rừng săn ong lấy mật. Anh Đinh Văn Don ở Thôn 5, xã An Vinh, một người săn ong chuyên nghiệp bộc bạch về kinh nghiệm về săn ong: “ Khi vào rừng phát hiện thấy những con ong chăm chỉ hút mật trên những bông hoa rừng, lập tức phải tìm mọi cách để bắt cho được một vài con ong đó. Sau đó, dùng chỉ buộc một đầu vào chân ong, còn đầu kia gắn vào một miếng giấy trắng. Khi thả ong bay phải tinh mắt theo dõi miếng giấy trắng bay về hướng nào mà theo dấu tìm ra tổ ong. Đã trở thành quy định “ bất thành văn”, người nào tìm thấy tổ ong trước chỉ cần đánh dấu một ký hiệu dưới gốc cây, chứng tỏ tổ ong trên cây này đã có chủ, người khác không được săn bắt. Khi nào thấy tổ ong đã mỏng, trái ké mật đã dài, mật ong đã già thì mới quay lại để chọn thời điểm để khai thác. Để lấy được mật ong chất lượng tốt, thông thường người ta chọn thời điểm lúc trăng non, vì lúc này trong tổ ong có rất ít con ong non dễ vỡ sửa làm hỏng mật”.

Anh Don cho biết thêm: Sau khi chọn những tổ ong đã chín mật, người săn ong sẽ tạo trái khói làm bằng tổ kiến hoặc lá cây xanh gắn trên đầu chiếc sào dài 3 mét, mặc áo khoác dày, trùm đầu và mặt bằng mũ lưới để tránh bị ong đốt. Sau đó mang gùi và túi nilon trèo lên cây để lấy mật. Khi còn cách tổ ong khoảng 2 mét, người săn ong bắt đầu đốt đuốc hun khói cho ong bay ra khỏi tổ, dùng túi nilon bọc sáp ong rồi dùng dao cắt nhanh túi mật cho vào gùi. Đối với tổ ong đóng trên các cây cổ thụ thì phải dùng dây thừng làm ròng rọc để đưa gùi ong xuống đất một cách an toàn.

Khâu chế biến hay còn gọi là công đoạn lọc lấy mật ong tinh khiết cũng lắm công phu. Tổ ong sau khi khai thác được phải cắt bỏ phần đầu sáp (dề ong) để loại bỏ nước mưa đọng và tránh không để con ong non dập nát bắn sữa vào mật làm hỏng mật, dùng dao nhọn cắt bánh mật ra từng miếng, cho vào xô hoặc chậu, sử dụng phễu lưới hoặc vải thưa để vắt sáp lấy mật. Mật ong thường được đựng trong chum sành hoặc canh nhựa được đậy kín và cất giữ nơi bóng tối, mát mẽ, tránh ánh nắng. Đặc biệt, không để mật ong gần  nơi có nguồn nhiệt cao như bếp gas, bếp từ, nơi cất giữ các loại thực phẩm có mùi dễ làm cho mật ong hấp thu, nhanh đổi màu, lên men, biến chất và bị chua. Được biết, hiện nay tại huyện An Lão mật ong chính hiệu có giá giao động từ 300.000đ đến 400.000đ/lít ./.

Hoàng Nam Quốc (Đài Truyền thanhhuyện An Lão)

Tác giả bài viết:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây