Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Thứ ba - 02/10/2018 23:59 433 346
Du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển các làng nghề: Tạo ra nhiều việc làm, thu hút nguồn lao động, tăng thêm thu nhập và góp phần cải thiện đời sống Nhân dân… Ngược lại, đối với hoạt động du lịch, làng nghề là một loại tài nguyên du lịch có khả năng thu hút du khách. Như vậy việc gắn kết du lịch với phát triển làng nghề giúp tỉnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Chính vì vậy, Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 23/06/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nêu rõ nhiệm vụ của Sở Công Thương trong việc phát triển du lịch tỉnh Bình Định là xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề, tổ chức sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm của tỉnh, của mỗi khu du lịch, chú trọng đến các mặt hàng lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, mua sắm sản phẩm lưu niệm của khách du lịch.

Đồng thời theo Quyết định số 4460/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong tổng số 36 làng nghề được quy hoạch phát triển đến năm 2020, có 05 làng nghề được quy hoạch gắn với phục vụ phát triển du lịch, đó là: Làng nghề Rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn); Làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn); Làng nghề Rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn); Làng nghề Nón Ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát); Làng nghề Nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn).

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Làng nghề Rượu Bàu Đátại thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn tại Quyết định số 1815/QĐ-UBND ngày 27/5/2016. Hiện nay, Sở Công Thương đang triển khai xây dựng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Làng nghề Tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Trong thời gian đến, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch chi tiết 3 làng nghề còn lại.

Việc xây dựng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 các Làng nghề gắn với phục vụ phát triển du lịch nhằm phát triển sản phẩm gắn với dịch vụ du lịch, đưa làng nghề thành điểm đến hấp dẫn, gắn kết các tour du lịch lớn của tỉnh; xây dựng phát triển không gian làng nghề phù hợp với các đặc điểm tập quán sinh hoạt, sản xuất của dân cư, bảo tồn và phát triển các yếu tố làng nghề truyền thống trong làng nghề. Đồng thời đây là cơ sở pháp lý cho việc phát triển điểm dân cư và kết cấu hệ thống hạ tầng; quản lý xây dựng, giao đất, cho thuê đất và đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa sản phẩm quà tặng, nâng cao chất lượng hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Bình Định; khuyến khích và hỗ trợ khả năng sáng tạo của các tổ chức và cá nhân nhằm đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnhtổ chức Cuộc thi thiết kế, chế tác sản phẩm phục vụ du lịch Bình Định.

Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch, tỉnh cần thực hiện nhiều biện pháp tích cực. Đó là quan tâm xây dựng thương hiệu làng nghề tiến tới hình thành làng nghề văn hóa-du lịch; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác đào tạo, quảng bá để các sản phẩm làng nghề đứng vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực phát triển làng nghề trọng điểm, thế mạnh, phát triển hạ tầng phục vụ cho làng nghề đi đôi với bảo vệ môi trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quan tâm, đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm các làng nghề và tạo điều kiện để các sản phẩm làng nghề có mặt ở những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm. Thường xuyên tổ chức các chuyến giao lưu tham quan giữa các làng nghề để học tập kinh nghiệm; đẩy mạnh hơn nữa việc gắn kết làng nghề với phát triển du lịch.

Tác giả bài viết:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây