Bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm truyền thống đặc trưng

Thứ sáu - 30/12/2016 23:59 444 73
Đăng ký, bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN), tích cực hỗ trợ là việc làm cần thiết để phát triển, thương mại hóa sản phẩm truyền thống đặc trưng tỉnh nhà
Nón ngựa Phú Gia đã được bảo hộ, cấp giấy chứng nhận NHCN. A.HL
Nón ngựa Phú Gia đã được bảo hộ, cấp giấy chứng nhận NHCN. A.HL

Theo Trung tâm Thông tin - Thống kê  KH&CN Bình Định (Sở KH&CN) những năm qua cả tỉnh đã bảo hộ 5 nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), 8 nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho sản phẩm đặc trưng truyền thống ở địa phương. Đó là chưa kể 11 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ NHTT, NHCN tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nguồn kinh phí thực hiện từ chương trình hỗ trợ sản phẩm đặc trưng truyền thống của tỉnh và kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm của huyện

Trong giai đoạn 2011- 2015 có 3 sản phẩm được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng, bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN), đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, cấp giấy chứng nhận NHTT, NHCN: Bánh tráng nước dừa Tam Quan, Bánh ít lá gai Bình Định, Nón ngựa Phú Gia. Đó là chưa kể các sản phẩm như: Kiệu Phù Mỹ từ nguồn kinh phí Trung ương; Rượu Mỹ Thọ, Cá cơm khô Mỹ An, Chả cá Quy Nhơn, Nước mắm Tam Quan, Nước mắm Nhơn Lý … đã được cấp giấy chứng nhận NHCN, NHTT, được xây dựng từ nguồn kinh phí KH&CN của huyện, thành phố.

Riêng năm 2016 đã bảo hộ NHTT cho các sản phẩm: Nước mắm Đề Gi (Phù Cát), Rượu đậu xanh Tây Sơn (Tây Sơn), Rượu Vĩnh Cửu (Vĩnh Thạnh) …. từ nguồn kinh phí của huyện.

Lợi ích của việc bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm truyền thống địa phương là để bảo tồn phát huy giá trị truyền thống của những sản phẩm ông cha truyền lại hàng bao đời nay. Đã là sản phẩm truyền thống về thực phẩm thì không có dư lượng hóa chất độc hại, chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng. Ví dụ trong nước mắm truyền thống có Arsen (thạch tín) nhưng là Arsen hữu cơ không độc hại, cho phép được sử dụng. Hay như cây kiệu, nếu canh tác đúng quy trình truyền thống, quy trình đã đúc kết trong thủ tục xin bảo hộ NHCN thì đảm bảo được chất lượng, an toàn cho người dùng. Khi phát triển sản phẩm truyền thống sẽ tạo ra thị trường rộng lớn giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Bảo hộ cũng là để lấy lại giá trị đã mất. Như nón ngựa Phú Gia, do người dân xã Cát Tường (Phù Cát) sản xuất, nhưng bị các nơi mua về dán nhãn của họ để tăng giá trị, còn người tạo sản phẩm lại bán giá rẻ. Bảo hộ SHCN cũng là giữ tên sản phẩm của địa phương mình để khỏi bị người khác đăng ký mất. Rượu Bàu Đá khi bị công ty Minh Anh đăng ký nhãn hiệu lấy tên “Rượu Bàu Đá Minh Anh” thì những nhãn hiệu khác mang tên rượu Bàu Đá không thể bán ở thị trường ngoài tỉnh…

Vì lý do nói trên ta hiểu vì sao vài ba năm gần đây Bình Định quan tâm phát triển đăng ký SHCN cho sản phẩm truyền thống địa phương. Ông Hà Ngọc Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, một huyện có khá nhiều sản phẩm được bảo hộ về SHCN, cho rằng: Mình phải đăng ký SHCN các sản phẩm  truyền thống đặc trưng của địa phương để người khác khỏi đăng ký mất. Sau đó từng bước lập thủ tục xin bảo hộ khi có điều kiện.

Tuy vậy nhiều sản phẩm đã được bảo hộ SHCN nhưng chưa phát huy tác dụng. Cụ thể như rượu Bàu Đá đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể nhiều năm nay nhưng ngoài thị trường vẫn thấy rượu Bàu Đá không dán tem, nhãn NHTT “Rượu Bàu Đá” trên bao bì, bày bán tràn lan, nhất là trên các tuyến quốc lộ 1, QL 19. Theo quy định những người là hội viên của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh rượu Bàu Đá (Hiệp hội) mới có quyền dán tem, nhãn, logo NHTT “Rượu Bàu Đá”, nhưng thực tế ngoại trừ một số hộ kinh doanh, nấu rượu tại làng Bàu Đá có dán tem nhãn này, còn lại nhiều nơi bán rượu vẫn lấy tên Bàu Đá nhưng không là hội viên của hiệp hội này và tất nhiên là không dán tem, nhãn hiệu tập thể rượu Bàu Đá. Ông Lê Quang Tâm- Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Thị trường trong tỉnh tràn lan rượu Bàu Đá, có nhiều nhà sản xuất không là hội viên Hiệp hội vẫn dán nhãn “Rượu Bàu Đá”, có ghi nồng độ, địa chỉ, điện thoại trên bao bì hẳn hoi, bán công khai. Hội viên Hiệp hội sản xuất rượu ở làng khi cấp miễn phí tem nhãn thì sử dụng, hội viên Hiệp hội kinh doanh, trước đây đăng ký sử dụng tem nhãn nhiều, bây giờ còn rất ít. Nếu tình trạng này kéo dài thì rượu Bàu Đá có nguy cơ mất thương hiệu

 Theo báo cáo hoạt động KH&CN năm 2016 của huyện Phù Mỹ: Các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa phát huy hết giá trị nhãn hiệu sản phẩm truyền thống đã được bảo hộ. Như kiệu Phù Mỹ đã được bảo hộ NHCN, mùa kiệu năm 2016 huyện đã cung cấp 4.300 tem nhãn cho hộ sản xuất, kinh doanh nhưng “không tích cực gắn tem nhãn “Kiệu Phù Mỹ” để nâng cao giá trị”, chống hàng giả.

Việc gắn tem, nhãn trên sản phẩm truyền thống đã được bảo hộ về SHCN đi kèm với việc hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận hợp quy (đối với mặt hàng thực phẩm) thì mới được phép bán ra thị trường. Một số nơi do sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không nhiều, ngại thủ tục thẩm tra, thẩm định, xin cấp 2 loại giấy này nên sản phẩm chưa được gắn tem, nhãn, khó khăn trong quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Ngoài chương trình hỗ trợ của tỉnh, các huyện bằng nguồn vốn sự nghiệp KH&CN cũng tiếp sức cho sản phẩm truyền thống: đăng ký, thuê tư vấn lập thủ tục bảo hộ SHCN, khi được bảo hộ thì tiếp tục hỗ trợ tem, nhãn, bao bì sản phẩm… cho người sản xuất. Huyện Tây Sơn hỗ trợ cho nhãn hiệu chứng nhận “Rượu đậu xanh Tây Sơn” máy khử Andehyt, máy đóng chai, bao bì, tem, nhãn; huyện Vĩnh Thạnh chi 70 triệu đồng hỗ trợ NHTT “Rượu Vĩnh Cửu” máy đóng chai, tem, nhãn, chai đựng rượu…

Dự án của tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống đặc trưng giai đoạn 2016- 2020. Trong đó xác lập bảo hộ SHCN cho 3 sản phẩm, hỗ trợ cho 6 sản phẩm khác; tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm, đào tạo tập huấn cho người dân về SHTT. Đây là việc làm cần thiết để bảo hộ, phát triển, thương mại hóa sản phẩm truyền thống đặc trưng của tỉnh nhà ./.

Hoàng Lân (Sở Khoa học và Công nghệ)

 

Tác giả bài viết:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây