Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tỉnh Bình Định ước đạt 1.058,8 triệu USD, tăng 9,2% so kế hoạch (970 triệu USD), tăng 14,8% so với cùng kỳ, đây là lần đầu tiên KNXK của tỉnh Bình Định đạt trên 01 tỷ USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có giá trị KNXK tăng và tăng so với năm trước đáng chú ý là nhóm hàng lâm sản xuất khẩu, đây được xem là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với giá trị KNXK hàng năm luôn chiếm tỷ trọng cao trên 52% trong tổng KNXK toàn tỉnh như: sản phẩm gỗ đạt 325 triệu USD, tăng 14,9%; gỗ đạt 214,6 triệu USD, tăng 11,9%; tiếp đến là hàng dệt may, ngay từ đầu năm tuy ảnh hưởng bởi dịch covid 19, các doanh nghiệp (DN) không có nguyên liệu sản xuất, cùng với đó là không có đơn hàng, tuy nhiên đến cuối quý III, đầu quý IV, các DN đã có nguyên liệu và đã có đơn hàng xuất khẩu nên cuối năm KNXK mặt hàng này vẫn đạt 181,9 triệu USD, tăng 3,3%; sản phẩm từ chất dẻo (bàn ghế nhựa giả mây), đây là mặt hàng mới xuất khẩu từ khoản 04 năm trở lại đây, nhưng thị trường xuất khẩu mặt hàng này luôn được mở rộng, KNXK năm sau luôn cao hơn năm trước, với KNXK đạt 115,1 triệu USD, tăng 86,6%; quặng và khoáng sản đạt 56,3 triệu USD, tăng 30,4% do mặt hàng khoáng sản titan tồn kho được Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu trở lại; mặt hàng gạo đạt 42,7 triệu USD, tăng 51,5%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 33,7 triệu USD, tăng 12,6%.
Năm 2020, tổng số DN trong tỉnh tham gia xuất khẩu là 259 DN, dẫn đầu vẫn là khối Kinh tế tư nhân đạt 904,3 triệu USD, tăng 13,8%; tiếp đến là khối Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 111,8 triệu USD, tăng 11,9% và khối Kinh tế Nhà nước đạt 42,7 triệu USD, tăng 51,5% so với năm 2019.
Một điều đáng ghi nhận nữa là DN Bình Định đã có cố gắng trong việc tiếp tục ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống gắn với từng bước tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới. Nhiều DN đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang các chủng loại hàng hoá phục vụ yêu cầu xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại để tạo chỗ đứng trên các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Về thị trường xuất khẩu: hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp sang 99 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó: Châu Á 28 nước, đạt 508,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 48%; Châu Âu 36 nước, đạt 221,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21%; Châu Mỹ 21 nước, đạt 292 triệu USD, chiếm tỷ trọng 27,6%; Châu Đại Dương 03 nước, đạt 2,0 triệu USD và Châu phi 11 nước, đạt 2,1 triệu USD.
Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do một số ngành hàng thị trường thế giới có nhu cầu tăng cao đã tác động tích cực lên giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước. Nhiều nền kinh tế thế giới đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khoá để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành, địa phương cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh covid 19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả tức thời, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu trở lại, một số ngành hàng đã có đơn hàng đến hết quý II năm 2021.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021, dự ước KNXK của tỉnh đạt 1,150 tỷ USD, trong thời gian tới yêu cầu đặt ra cho tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành đẩy mạnh việc quy hoạch và phát triển các ngành kinh tế xuất khẩu; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khai thác hợp lý tỷ trọng các nhóm ngành, hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là nhóm, ngành nông, lâm, thủy hải sản và các ngành dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tại các nước khu vực và thế giới.
Cùng với Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, trong thời gian đến được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Bình Định sang các nước trong Khối, Sở Công Thương Bình Định sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnhtổ chức các buổi đối thoại, cũng như làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn đểnắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắt của doanh nghiệp; các Bộ ban ngành Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến mở rộng và đa dạng hóa thị trường tại một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU; tổ chức hội thảo, hội nghị nhằm triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của doanh nghiệp; tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các Hiệp định thương mại tự do; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của Trung ương./.
Tác giả bài viết: cuongnm
Ý kiến bạn đọc