Doanh nghiệp mũi nhọn của Bình Ðịnh với EVFTA: Nỗ lực toàn diện, vượt lên chính mình

Thứ năm - 15/10/2020 23:59 263 65
Ðể hưởng được những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), DN Việt Nam phải thực sự hiểu sân chơi này, tuân thủ các cam kết về thương mại hàng hóa. DN Bình Ðịnh với hai ngành mũi nhọn là chế biến gỗ và thủy sản đặc biệt quan tâm đến EVFTA.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành.

Để cơ quan quản lý và DN nắm rõ những thông tin liên quan đến EVFTA, ngày 14.10, tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị phổ biến các nội dung của Hiệp định.

Đi trước để đón EVFTA

Hiện Bình Định có 150 DN (chủ yếu là các DN thuộc ngành hàng may mặc, gỗ, đá granite…) tham gia xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU ước đạt 132,9 triệu USD, chiếm 16,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1.8.2020, và lập tức dỡ bỏ toàn bộ các sắc thuế nhập khẩu quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong lộ trình tối đa 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Dù vậy, các chuyên gia đều có cùng cảnh báo: Cánh cửa đưa hàng hóa vào EU rộng mở nhưng muốn được hưởng ưu đãi, DN phải đảm bảo đúng các quy định tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Và đó không phải là chuyện dễ đáp ứng.

Có mặt tại Hội nghị, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, chia sẻ, ngay từ khi Việt Nam và EU bắt đầu các phiên đàm phán đầu tiên về EVFTA, chủ các DN ngành gỗ đều hiểu rằng, sản phẩm đồ gỗ xuất qua EU muốn được hưởng lợi từ việc xóa thuế phải đảm bảo các điều kiện về truy xuất, chứng minh được nguồn gốc của từng nguyên phụ liệu làm nên sản phẩm đúng quy định của thị trường EU. Chính vì thế, từ nhiều năm trước, những DN có tiềm lực tốt đã đi trước một bước trong việc liên kết phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn hợp chuẩn FSC. Phía EU rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nên với sản phẩm làm từ gỗ nguyên liệu hợp chuẩn FSC, coi như DN đã cam kết các sản phẩm của mình có nguồn gốc từ rừng được quản lý theo cách có trách nhiệm và bền vững. Nếu là rừng được trồng tại Việt Nam thì đó là một điểm cộng đáng kể so với nguyên liệu nhập khẩu.

Cá ngừ và tôm sú đón cơ hội lớn

Ngành hàng thủy sản cũng hưởng lợi rất lớn từ EVFTA. Có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22% được cắt giảm; trong đó phần lớn những dòng thuế đang ở mức cao, khoảng 6 - 22% sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 loại). Phần còn lại sẽ giảm dần về 0% trong vòng 3 - 7 năm tới đây. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Chế biến tôm đông lạnh tại Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn.

Đối với sản phẩm tôm, đặc biệt tôm sú đông lạnh sẽ được giảm ngay lập tức từ mức cơ bản 20% xuống 0%; các sản phẩm tôm khác sẽ về mức 0% trong 3 - 5 năm tới; riêng sản phẩm tôm chế biến có lộ trình giảm về 0% trong 7 năm.

Bình Định mạnh về xuất khẩu thủy sản nên dễ hiểu vì sao các DN phấn khởi đón nhận EVFTA. Dù vậy, các chuyên gia cũng mổ xẻ khu vực này rất chi tiết về việc để hưởng ưu đãi thuế, các DN xuất khẩu thủy sản phải đảm bảo được chất lượng, chứng minh được xuất xứ nguyên liệu đầu vào đúng theo quy định của EU - những rào cản kỹ thuật không dễ vượt qua. Điều này buộc DN xuất khẩu thủy sản của Bình Định phải nỗ lực toàn diện và rất nhiều.

Trung bình mỗi năm, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn xuất khẩu hơn 1.000 tấn tôm đông lạnh sang thị trường nhiều nước trên thế giới và EU; 70% nguyên liệu đầu vào đều có xuất xứ nội địa. Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty, chia sẻ: “EVFTA mang lại nhiều ưu đãi rất lớn cho DN xuất khẩu thủy sản về thuế, song EU cũng dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm tôm đông lạnh là thế mạnh của chúng tôi, lại được hưởng lợi rất lớn, vì vậy có khó đến mấy chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để sản phẩm thỏa mãn các điều kiện mà họ đặt ra”.

“EVFTA quy định rất rõ về các điều kiện liên quan đến xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm. Với Bình Ðịnh, gỗ và thủy sản là hai nhóm ngành được quan tâm nhiều nhất. Ở góc độ quản lý, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các chuyên gia của VCCI tổ chức cụ thể các chuyên đề, đưa ra giải pháp phù hợp, tạo cơ hội cho các DN phát triển sản phẩm sang thị trường EU”.

Bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương

 “Bình Ðịnh có ngành may mặc khá phát triển. Với ngành này, để được hưởng lợi từ EVFTA, tôi nghĩ tỉnh nên kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may. Ðiều này vừa giúp các DN may mặc của Bình Ðịnh đảm bảo được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào để hàng hóa xuất sang EU nhận được ưu đãi về thuế; và cũng là một cách để phát triển ngành công nghệ phụ trợ ở địa phương”.    

 

Ông Nguyễn Diễn, nguyên Giám đốc VCCI (Trao đổi tại Hội nghị phổ biến nội dung Hiệp định EVFTA) 

 

Trần Ánh Tuyết (nguồn Báo Bình Định)

Tác giả bài viết:

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây