Nhằm hỗ trợ kịp thời cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm may mặc trên địa bàn tỉnh; được sự quan tâm chỉ đạo triển khai của Sở Công Thương, sự hướng dẫn, phối hợp của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại, sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương năm 2023, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Thanh Xuân đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt 03 máy lập trình công nghiệp, công suất 100.000 sản phẩm/năm với vốn đầu tư 450 triệu đồng.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Công ty đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đề án; đến nay, đã hoàn thành đúng nội dung và tiến độ thực hiện. Việc triển khai thực hiện đề án giúp Công ty có thêm điều kiện áp dụng công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng may mặc, góp phần tăng sản lượng sản phẩm với năng suất, chất lượng cao hơn đáp ứng nhu cầu khách hàng quốc tế, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, tăng sản lượng sản phẩm hàng may mặc trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị Quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua xem xét, đánh giá, Hội đồng Nghiệm thu các đề án khuyến công - Sở Công Thương thống nhất nghiệm thu đề án với kinh phí hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 đã được phê duyệt.
Tác giả bài viết: Trần Anh Hào
Ý kiến bạn đọc