Ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam, những điều cần biết

Thứ hai - 31/05/2021 23:59 608 45
Theo Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam, những điều cần biết

Thực tế cho thấy, những năm qua đã có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công, có thu nhập cao song cũng có một số người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dẫn dụ tham gia vào các hình thức đa cấp biến tướng, chịu tổn thất về sức khoẻ và tiền bạc.

Từ đó đặt ra các vấn đề những ai nên tham gia bán hàng đa cấp? Việc tham gia bán hàng đa cấp có thể giúp tất cả thành công và có thu nhập cao? Khi bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Giải pháp nào để chẩm dứt tình trạng kinh doanh bán hàng đa cấp bất chính và biến tướng?...

Bán hàng đa cấp được pháp luật Việt Nam thừa nhận

Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Bộ Công Thương đóng vai trò cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp; Tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật; Phối hợp cơ quan công an xử lý các hành vi vi phạm theo quy định và thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền…

Riêng về UBND các cấp có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp các lực lượng tại địa phương (công an, công thương, quản lý thị trường, thuế….); Cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Kiểm soát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo.

Tiềm năng kinh doanh đa cấp ở Việt Nam còn rất lớn

Bán hàng đa cấp hay còn gọi là kinh doanh đa cấp là mô hình kinh doanh rất phố biến và thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như: bạn bè, người thân.

Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm. ỞViệt Nam, đa cấp vẫn chưa phải là mô hình kinh doanh phổ biến. Đa số người Việt Nam thường có cái nhìn không thiện cảm đối với mô hình kinh doanh theo mạng này. Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp xuất hiện thời điểm 1999-2000. Hiện hoạt động này bán trên 7.000 sản phẩm, chủ yếu 80% là thực phẩm chức năng.

Tuy vậy, doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều cơ hội khi tham gia kinh doanh đa cấp  như được pháp luật thừa nhận; không mất chi phí đầu tư, không cần mặt bằng, không cần ôm hàng, không áp lực về doanh số, không ràng buộc về thời gian. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia dễ dàng, không phân biệt trình độ học vấn, nơi đang sống và cũng ó thể tạo ra một kênh kiếm tiền tự động.

Dấu hiệu nhận biết đa cấp biến tướng

Hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Có 4 dấu hiệu của đa cấp biến tướng, khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định được : Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; Thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; Duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; Từ chối quyền lợi của người tham gia; Mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; Tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới.

* Một số khuyến cáo những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo :

Công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

Công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.

Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.

Công ty khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.

Công ty cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.

Công ty bán hàng đa cấp buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.

Cách nào để phòng "tiền mất tật mang" trước kinh doanh đa cấp biến tướng?

Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh nên xảy ra tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, họ quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm.

Do nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Họ tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm, cho nên ngành chức năng rất khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng, giá cả sản phẩm.

Tuy vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết và cảnh giác với những doanh nghiệp không đáng tin cậy do thông tin về những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính được đăng tải một cách công khai. "Thông tin về các doanh nghiệp hội viên hoạt động hợp pháp được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trên app IMLM, trên website hiệp hội là info@mlma.org.vn".

Bài trừ đa cấp biến tướng thế nào?

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Hiện nay, chế tài xử lý hành chính bán hàng đa cấp sẽ dựa theo các quy định của Nghị định 141/2018/NĐ-CP. Hai là, xử lý hình sự theo Điều 217a bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (thu lợi bất chính từ 200 triệu, gây thiệt hại từ 500 triệu, hoặc mạng lưới từ 100 người trở lên) hay “Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với Hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính; xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát một cách chặt chẽ.

Có sự đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân bất tuân gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp. từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lamg pháp lý minh bạch, nghiêm túc.

Người tham gia cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.

Người tham gia cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.

Người tham gia đa cấp cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp.

Để tạo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh

Muốn bảo vệ chính mình, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính phải đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ tiêu thụ trong hệ thống.

Quản lý chặt chẽ các hoạt động, tăng cường đào tạo để nhà phân phối kinh doanh đúng pháp luật.

Giám sát, theo dõi thị trường chặt chẽ để phát hiện nhưng bất thường của thị trường. Chính doanh nghiệp phải biết được sự bất thường này và có kết nối với Bộ Công Thương để Bộ có thông tin xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương để cảnh báo, tuyên truyền cho người dân tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát hoạt động loại hình đa cấp biến tướng, lợi dụng đa cấp lừa đảo, thu hút tài chính, gây bức xúc dư luận./.

Ngày 02/3/2021, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn năm 2021-2025, qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành xác định rõ vai trò của các cấp chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị (công an, công thương, quản lý thị trường, thuế….) có trách nhiệm cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Kiểm soát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: cuongnm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây