Quy định Quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra

Thứ tư - 07/04/2021 23:59 142 40
Ngày 11/3/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Quy định Quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra

Theo đó, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải làm những việc sau đây:

- Nêu cao ý thức trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động thanh tra. Thực hiện đúng nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

- Có thái độ thận trọng, khách quan, toàn diện khi xem xét, đánh giá sự việc; lắng nghe, tôn trọng các ý kiến giải trình hợp lý của đối tượng thanh tra, hướng dẫn cho đối tượng thanh tra hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật;

- Báo cáo với Người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra khi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có mối quan hệ với đối tượng thanh tra có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; báo cáo kịp thời với Trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra;

- Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra;

- Kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo với Người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, Thông tư quy định trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra cán bộ, công chức, viên chứctrong các cơ quan thanh tra nhà nước không được làmnhững việc sau đây:

- Lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, viên chức thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vì lợi ích cá nhân;

- Tư vấn, môi giới cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và các công việc khác mà việc tư vấn, môi giới đó có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia, đến cơ quan, đơn vị;

- Nhận quà tặng của đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức; trường hợp không từ chối được phải báo cáo Người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra để quản lý, xử lý quà tặng theo quy định của pháp luật;

- Kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý trái pháp luật; báo cáo sai sự thật; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật; truy ép, gợi ý cho đối tượng thanh tra trả lời, trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình;

- Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, hoạt động giám sát Đoàn thanh tra; tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra khi Kết luận thanh tra chưa được công khai và chưa được lãnh đạo giao theo quy định của pháp luật;

- Trả thù, đe dọa, trù dập người tố cáo các hành vi vi phạm của mình.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định những việc phải làm, những việc không được làm của cán bộ, công chức trong thực hiện các nhiệm vụ khác như: tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2021 và thay thế Quyết định 1860/QĐ-TTCP ngày 09/6/2007 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ Thanh tra./.

Tác giả bài viết: huytq

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây