Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và  tiềm kiếm cứu nạn ngành Công Thương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Thứ sáu - 21/04/2023 15:54 313 0
Ngày 21/4/2023, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ngành Công Thương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, PCTT&TKCN Bộ Công Thương; ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà; Lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đồng chủ trì.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia,… cùng hơn 200 đại biểu là Lãnh đạo các Sở Công Thương; Lãnh đạo các tập đoàn trong nhành Công Thương và cán bộ các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được, đồng thời phân tích những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai của ngành từ đó các đơn vị đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để triển khai tốt hơn trong năm 2023. 
Theo báo cáo tổng kết công tác PCTT của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai năm 2022, mặc dù các cơ sở trong ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của 7 cơn bão, nhưng toàn ngành Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức công tác ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và công trình trong mùa mưa bão. Nhờ đó, không có thiệt hại về người. Thiệt hại do thiên tai gây ra với ngành Công Thương trong năm 2022 ở các tập đoàn, các tổng công ty không đáng kể. Tuy nhiên, trong ngành Công Thương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa mưa bão của một số công trình thủy điện chưa được thường xuyên, kịp thời; một số đơn vị còn chủ quan, chưa thực sự chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó thiên tai; công tác tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập về PCTT&TKCN một số đơn vị còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục (tập trung ở các thủy điện nhỏ);… Đồng thời việc thực hiện quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp những khó khăn, vướng mắc…
Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023 thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Dự báo có khoảng 11 - 13 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển, trong đó có khoảng 5 - 7 cơn tác động đến đất liền nước ta.
Do đó, để đạt được những mục tiêu đề ra và khắc phục các tồn tại đã nêu ở trên, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác PCTT&TKCN trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tại từng đơn vị, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm 2023 cần chú ý đến việc xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành và phương án sơ tán người, tài sản đảm bảo mục tiêu kép an toàn PCTT và phòng chống dịch.
 Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham luận, góp ý tập trung vào các nội dung: Đánh giá về những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của các đơn vị làm tốt, cũng như phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả để chỉ đạo các đơn vị triển khai trong năm 2023; Đánh giá các khó khăn, vướng mắc, tồn tại chủ yếu của đơn vị trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật PCTT&TKCN, vận hành an toàn công trình thủy điện và các công trình công nghiệp khác; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai công tác PCTT hiệu quả; đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các sở Công Thương, các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Hoá chất Việt Nam, cùng các chủ hồ chứa thuỷ điện,… nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình, giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường trong mọi tình huống thiên tai xảy ra trong năm 2023.

 

Tác giả bài viết: Trần Thúc Kham

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây