AN TOÀN THỰC PHẨM- NHỮNG NGUY CƠ RỦI RO VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG

Chủ nhật - 11/12/2022 13:16 1.246 0
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân sẽ tăng lên rất nhiều lần và đây cũng là nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
(Ảnh minh họa: Thực phẩm vỉa hè có nguy cơ ngộ độc cao)
(Ảnh minh họa: Thực phẩm vỉa hè có nguy cơ ngộ độc cao)

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ lợi dụng ở thời điểm này để bày bán ra những sản phẩm mà chưa bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tăng cao nếu không có biện pháp quản lý hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, trong điều kiện sức mua hàng hoá tăng cao, nếu thực phẩm không được quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì nguy cơ gây ngộ độc là rất lớn.
Qua thanh tra, kiểm tra trong hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh vừa qua, các đoàn thanh kiểm tra đều có nhận xét chung là ý thức của những người trực tiếp chế biến thực phẩm và một số người tiêu dùng đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, thức ăn đường phố phần lớn không rõ nguồn gốc, số lượng các quán nhậu, nước giải khát vỉa hè mọc lên ngày càng nhiều, thu hút đông đảo người dân. Nguồn thực phẩm này có đảm bảo an toàn hay không thì không ai dám chắc mà chỉ cần bụi bẩn nhiễm vào thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao. Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến mất ATVSTP và nguy cơ hứng chịu không ai khác chính là người tiêu dùng.
Thời gian qua, với chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của ngành; Sở Công Thương đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 76/2020/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 thay thế cho Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Định để phù hợp với Nghị định của Chính phủ ban hành; Hàng năm Sở Công Thương đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP của ngành như: Kế hoạch tập huấn chuyên môn về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Định; Kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP; Kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương tại UBND các huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành các Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP trong các dịp: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Đồng thời, ban hành một số văn bản triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trong các đợt cao điểm về ATTP như: Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022, tháng hành động vì ATTP, Tết Trung; Công tác giám sát, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP được tăng cường góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về ATTP xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Năm 2022, Sở Công Thương phối hợp với các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu tại 165 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở với số tiền 26 triệu đồng. Trong đó, Đoàn kiểm tra do Chánh Thanh tra Sở Công Thương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra 57 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 02 cơ sở với số tiền 14 triệu đồngĐoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP của Sở Công Thương đã thực hiện kiểm tra, hậu kiểm 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành trên địa bàn tỉnh và tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP của 05 sản phẩm. Kết quả 05/05 mẫu sản phẩm thực phẩm được kiểm nghiệm đều có kết quả đạt, các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định về ATTP.

dung2
Sở Công Thương tổ chức tập huấn an toàn thực phẩm tại các huyện

Nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở tỉnh ta trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ nhất định, các số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt, đã ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm quy định về chất lượng VSATTP.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm ATTP cho nhân dân trong những tháng cuối năm 2022 và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới năm 2022; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhằm giúp cho người tiêu dùng an tâm trong việc mua sắm phục vụ nhu cầu về hàng hóa của những ngày giáp Tết,

dung3

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Công Thương kiểm tra an toàn thực phẩm

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi của cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp tổ chức tốt các nhiệm vụ:
Một là, Tăng cường công tác hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP; các cơ sở sản xuất kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ, tết như: bánh, mứt, kẹo, bia rược, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản … các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các làng nghề truyền thống; các cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP và quảng cáo thực phẩm. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không đảm bảo ATTP;
Hai là, Trong quá trình kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các loại thực phẩm an toàn, xử phạt nghiêm các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm không đảm bảo an toàn. Tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố “nói không với thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn”;
Ba là, Qua thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP ở tất cả các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, quảng cáo thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố … theo đúng quy định tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và các Nghị định khác của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan ATTP;
Bốn là, Các sở; ngành: Y tế, Công an tỉnh, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông tăng cường sự phối hợp chặt chẽ tốt hơn với lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP và UBND các huyện, thành phố, thị xã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP tiếp tục hoạt động, sản phẩm thực phẩm không đảm an toàn tiếp tục lưu thông, tài liệu quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành. Thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và những cơ sở, sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết và lựa chọn được loại an toàn thực phẩm.
“Các cơ sở sản xuất thực phẩm nên lấy lương tâm của mình mà làm, vì những sản phẩm của mình sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”.
Đối với người tiêu dùng
Để phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện phương châm “ăn chín, uống chín” nhằm chủ động phòng tránh những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm. Trong dịp giáp tết thực phẩm rất dễ bị ôi, thiu, bị hỏng nếu không được chế biến và bảo quản đúng cách.
Vì vậy, người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm nên mua những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác và hạn sử dụng rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi, thiu, mốc hỏng; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm..., nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây