Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thứ năm - 01/08/2019 23:59 170 359
Ngày 02/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động – CVĐ) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cùng 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động 10 năm qua.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ Trần Thanh Mẫn đã đánh giá sau 10 năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, CVĐ đã mang lại những kết quả thiết thực, nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đến một số nước trên thế giới. Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.

Ngành Công Thương được đánh giá là một trong những ngành có dấu ấn quan trọng, đóng góp tích cực cho thành công của CVĐ trong suốt 10 năm qua.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: “CVĐ đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ DN đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác” . Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...).

Về phía các DN sản xuất trong nước đã chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng. Một số DN Việt Nam đã được vinh danh, trao giải thưởng về sản phẩm, thương hiệu do các Bộ, ngành và các địa phương trao đã không ngừng nâng cao tiêu chí về sản xuất, chất lượng dịch vụ để giữ thương hiệu Việt,  khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế (như Viettel, FPT, Trường Hải, Trung Nguyên, TH True Milk và gần đây là các sản phẩm thương hiệu lớn: Vinfast, Bamboo Airway…).

Tiếp tục triển khai sâu rộng CVĐ

Khẳng định những kết của CVĐ, song Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ rõ, việc triển khai CVĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mực khi triển khai thực hiện CVĐ. Ban chỉ đạo CVĐ nhiều địa phương chưa chú trọng tham mưu, đề xuất với cấp ủy thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban bí thư CVĐ. Vai trò của các hiệp hội, ngành nghề trong thực hiện CVĐ chưa cao; nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực sự hưởng ứng…Một số mặt hàng Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn diễn ra ở nhiều nơi. Còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước, vi phạm xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính là người tiêu dùng.

Để nâng cao hiệu quả CVĐ thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, CVĐ cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa. Tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ; chú trọng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao; hoàn thiện thể chế xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra thực hiện CVĐ, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng nhái, hàng giả.

Nhấn mạnh việc triển khai CVĐ, thúc đẩy tiêu dùng trong nước là góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tạo động lực phát triển đất nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền địa phương hoàn thiện thể chế trong tạo môi trường thuận lợi cho DN, người dân dân trong phát huy nội lực, tiềm lực chính mình để đầu tư phát triển sản xuất một cách thuận lợi nhất. Cùng với đó tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các ngành sản xuất, tái cấu trúc DN thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, năng suất, giá cả cạnh tranh, phù hợp với thị trường, coi trọng thị trường nội địa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện CVĐ trong toàn dân, phát huy vai trò mặt trận, các đoàn thể, xã hội trong tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên mua sắm, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt.

Song song với việc kiểm soát hàng nhập lậu trái phép, cũng phải tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất; kiểm soát, chống gian lận thương mại, xây dựng các sản phẩm có chất lượng, cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả các giải pháp khuyến khích DN phát triển, tạo điều kiện phát triển các loại hình bán lẻ, khuyến khích hình thành mạng lưới thương mại, tạo chuỗi giá trị hàng hóa có thương hiệu. DN Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, 82 tập thể và 147 cá nhân đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện CVĐ. UBMTTQ Việt Nam Tỉnh Bình Định – Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ, bà Trần Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định và Ông Thái Lương Hùng – Nguyên Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sài Gòn Co.op tỉnh Bình Định vinh dự được nhận Bằng khen trong đợt này.

Tác giả bài viết: tuyetta

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây