Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10 năm 2023

Thứ sáu - 03/11/2023 07:47 1.108 0
Ngày 31/10/2033, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10 năm 2023 với Chủ đề  “Đồng hành cùng ngành thuỷ sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị (ảnh nguồn congthuong.vn)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị (ảnh nguồn congthuong.vn)

Về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì hội nghị. Hội nghị thu hút trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn quốc đăng ký tham dự.
Về phía Sở Công Thương Bình Định có Ông Nguyễn Đình Kha – Phó Giám đốc Sở chủ trì cùng đại diện các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đại diện Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty TNHH Thủy sản An Hải, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thực phẩm XNK Lam Sơn cùng tham gia hội nghị trực tuyến.
Hội nghị tập trung trao đổi vào cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu vào các thị trường xuất khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với ngành thủy sản; thảo luận đánh giá cơ hội, khó khăn, thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ hải sản đang phải đối mặt, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu của ngành.
Hội nghị bao gồm 2 phiên chính:  
- Phiên 1: Hội nghị được các đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các địa phương (Khánh Hòa, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp) trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu ngành thuỷ sản.
- Phiên 2: Hội nghị được các đại diện dành cho đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Liên bang Nga, EU, Thụy Sỹ, Ai Cập, Rumani, Lào thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch xúc tiến thương mại các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam với thị trường nước ngoài.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.
 Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”, xuất khẩu thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.
Tuy nhiên, một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào nhừng tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu ngành hàng này. Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như: Cá ngừ, tôm, cá tra. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6/2023 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9/2023, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III/2023 chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.
Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Hội nghị được các tham tán thương mại tại các thị trường tiêu thụ nhiều thủy sản như: EU, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, LB Nga đã thông tin cập nhật về tình hình thị trường; đồng thời đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cụ thể:
+ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết: Thụy Sỹ tiêu thụ nhiều thủy sản và là nước nhập khẩu nhiều thủy sản, trong đó, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam khá lớn. Việt Nam thuộc Top 10 nước xuất khẩu nhiều thủy sản nhất vào Thụy Sỹ. Thời gian tới, xu hướng nhập khẩu thủy sản của Thụy Sỹ tiếp tục tăng, đặc biệt là thủy sản hữu cơ. Do tính cạnh tranh tại thị trường Thụy Sỹ ngày càng cao, nên để tăng cường xuất khẩu thủy sản sang Thụy Sỹ, doanh nghiệp cần đảm bảo uy tín chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng thủy sản xuất khẩu, tăng cường đầu tư các sản phẩm thủy sản chế biến, nâng tỷ trong xuất khẩu thủy sản chế biến, mở rộng khả năng sản xuất và xuất khẩu thủy sản hữu cơ… 
+ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Hoa Kỳ là thị trường rộng lớn, nhu cầu sử dụng thủy sản có giá cạnh tranh cao. Để tăng thị phần xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh về chất lượng, giảm cạnh tranh về giá rẻ; đồng thời, cần thường xuyên cập nhật thông tin để điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp, chú ý vấn đề lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc thủy sản; đặc biệt là mở rộng thị trường cho cá ngừ, các sản phẩm chế biến sâu, tăng cường sử dụng thương mại điện tử. 
+ Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập chia sẻ: do cá là thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống ở các tỉnh ven biển và đồng bằng phía Bắc của Ai Cập, nên nước này có nhu cầu sử dụng thủy sản cao, hàng năm nhập khẩu nhiều thủy sản. Tuy nhiên, thị phần sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Ai Cập còn rất thấp, chưa bằng 1/10 lượng thủy sản của Thái lan xuất khẩu sang Ai Cập. Để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập, doanh nghiệp cần ổn định chất lượng, với giá cả cạnh tranh; tập trung vào sản phẩm cá biển đông lạnh và thủy sản chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường hiện diện nhiều hơn tại thị trường này, cũng như tích cực tham gia các hội chợ trong khu vực để người dân nơi đây biết nhiều hơn đến thủy sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là ngành thủy sản, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp của ngành. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp XTTM nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cũng như ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 10/2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm dược liệu của thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây