Những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ hai - 24/06/2019 23:59 120 443
Ngày 20-11-2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) thay thế cho Luật PCTN số 55/2005/QH11 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13).Luật PCTN năm 2018 bao gồm 10 Chương, 96 Điều sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019 với một số nội dung mới nổi bật nhưsau:
Những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

1. Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập

Mục 6 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.Đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành. Tại Mục này, Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; kê khai tài sản, thu nhập, xác minh tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập.

Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác PCTN; đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hằng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện. (Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 34)

Luật cũng bổ sung căn cứ xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; trình tự xác minh tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sả, thu nhập tăng thêm không trung thực.

2. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

So với Luật hiện hành, đây là nội dung mới của Luật năm 2018, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN. Luật quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Luật cũng quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

3.Xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN

Nguyên tắc xử lý tham nhũng được Luật PCTN 2018 quy định tại Điều 92 và 93 có phần chi tiết rõ ràng hơn so với Luật hiện hành (quy định tại Điều 4) thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả của công tác PCTN.

Đối với xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN, Luật PCTN 2018 đã bổ sung quy định tại Mục 2,Chương IX. Theo đó, Điều 94 liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Điều 95 Luật PCTN 2018 quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Tác giả bài viết: huytq

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây