Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Thứ hai - 03/06/2019 23:59 153 236
Ngày 15/11/2018 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, Luật gồm 5 Chương và 28 Điều. Để triển khai, thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 19/02/2019 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước được bảo vệ theo thời hạn quy định tại Luật này, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Luật có những nội dung cơ bản sau:

a.Khái niệm bí mật nhà nước: Luật quy định bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mật có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc. Theo quy định của Luật thì bí mật nhà nước có 3 thuộc tính cơ bản: Thứ nhất, bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; thứ hai, là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; thứ ba, phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định tại Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa đựng bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

b. Các hành vi bị nghiêm cấm: Để phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước và có căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, Luật quy định một điều (Điều 5) về các hành vi bị nghiêm cấm, đáng chú ý như: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông...

c. Phạm vi bí mật nhà nước: Luật quy định phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc.

d. Danh mục bí mật nhà nướcCăn cứ vào quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Luật, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật trên cơ sở đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước và thẩm định của Bộ Công an (trừ danh mục thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng). Quy định này đã khắc phục tồn tại của Pháp lệnh, cụ thể: Thống nhất một chủ thể ban hành danh mục quy định cả ba độ mật (Tuyệt mật, Tối mật và Mật); bí mật nhà nước được quy định theo ngành và lĩnh vực áp dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, không quy định danh mục bí mật nhà nước của địa phương.

đ. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước: Đây là quy định mới vì Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 và các văn bản trước Pháp lệnh đều không quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước.

Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích, quốc gia dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ như nêu ở trên.

g. Giải mật: Luật quy định bí mật nhà nước được giải mật khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian gia hạn thời hạn bảo vệ hoặc giải mật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập, hợp tác quốc tế hoặc bí mật nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Luật đã quy định việc đương nhiên giải mật đối với trường hợp bí mật nhà nước không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước; trường hợp bí mật nhà nước chỉ cần bảo vệ trong khoảng thời gian nhất định hoặc đã hết thời hạn bảo vệ theo quy định của Luật mà cơ quan có thẩm quyền không quyết định gia hạn.

Để Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện đúng thời gian quy định, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản hướng dẫn thi hành./.

Tác giả bài viết: andtt

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây