Năm 2020: Ngành gỗ Việt Nam sẽ chịu tác động 2 chiều

Chủ nhật - 01/03/2020 23:59 141 214
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid- 19) đang và sẽ tiếp tục tác động đến các ngành hàng trong cả nước. Đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2020 được dự báo sẽ chịu tác động cả ở cả 2 chiều xuất nhập, đẩy ngành gỗ vào một năm đầy biến động.
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Hiệp Long
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Hiệp Long

Ngày 28/2/2020, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp cùng các Hiệp hội, Hội trong lĩnh vực chế biến gỗ và Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường, thực trạng 2019 và xu hướng 2020”.

Dăm gỗ là mặt hàng chính được xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch trên 972 triệu USD (2019), chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Dịch Covid- 19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp trên cả nước

Theo ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trends, điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu các loại ván từ Trung Quốc với gần 400 triệu USD. Dịch Covid- 19 đã làm cho luồng cung này hiện đang bị dừng lại. Lượng hàng đã nhập có thể giúp doanh nghiệp Việt đủ nguyên liệu từ nguồn này trong vòng 1-2 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất. "Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam với các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất… Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt khi nguồn phụ kiện được nhập khẩu từ trước chỉ còn khoảng 2-3 tháng", ông Tô Xuân Phúc dự báo.

Đáng chú ý, ngoài tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam, dịch Covid-19 còn tác động trực tiếp đến các nhà máy của Trung Quốc vận hành tại Việt Nam khi các nhà máy chưa được phép quay lại hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do chính sách phong tỏa dịch tại cả 2 quốc gia. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Trung Quốc có 184 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trong ngành. Năm 2019 có 93 doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam.

Ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland - cho rằng, chế biến gỗ bị ảnh hưởng lớn nhất do dịch Covid- 19 trong một số khâu về cung ứng một số nguyên liệu, vật tư, phụ kiện từ Trung Quốc. Các mặt hàng này đã tác động có tính chất cộng hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp. Chẳng hạn, sơn bề mặt chỉ chiếm 7% giá thành sản phẩm nhưng nếu bị gián đoạn coi như cả lô hàng sẽ bị gián đoạn và gây tác động lớn. Bên cạnh đó, khâu hoàn thiện sản phẩm một số doanh nghiệp phụ thuộc vào lao động từ Trung Quốc, nhiều nhà máy đã phải dừng lại vì công nhân chưa sang Việt Nam được.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho hay, trong giá thành sản phẩm gỗ, nguyên liệu gỗ chỉ chiếm 35%, còn lại là các chi phí về vật liệu phụ trợ phục vụ cho sản phẩm gỗ. Điển hình như mặt hàng sơn, dù là sơn của Hoa Kỳ nhưng cũng được sản xuất tại Trung Quốc. Dịch Covid- 19 làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất gỗ.

Trong bối cảnh biến động thị trường, đặc biệt do tác động dịch Covid- 19, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên phụ liệu thay thế ngay tại Việt Nam cũng như các nước. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần liên kết với nhau để các sản phẩm của mình được tham gia vào chuỗi cung ứng trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Khi cùng nhau hợp tác để sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí của nhà nhập khẩu và nhanh chóng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù vậy, vị đứng đầu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng thừa nhận, đến nay, các liên kết trong chuỗi giá trị của ngành gỗ, bao gồm cả liên kết dọc và ngang còn rất hạn chế. Các liên kết theo chuỗi sản xuất khép kín còn rất nhiều hạn chế. Các liên kết được hình thành mới chỉ dừng lại ở quy mô còn nhỏ lẻ, giữa các hộ trồng rừng và một số công ty chế biến gỗ như Scancia Pacific, Woodsland, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Hải Bằng khuyến nghị, dịch Covid- 19 có thể gây tác động lớn trong giai đoạn đầu nhưng với sự năng động của doanh nghiệp, họ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp. Chủ động tìm kiếm sử dụng nguồn cung nội địa hóa cũng là giải pháp tối ưu. 

(Nguồn: Báo Công Thương)

Tác giả bài viết: tuyetta

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây