Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong tình hình mới - tạo sức bật mới cho ngành đồ gỗ xuất khẩu Bình Định

Thứ hai - 10/12/2018 23:59 181 260
Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Định đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, trở thành ngành công nghiệp chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(Ảnh minh họa, nguồn http://goviet.org.vn)
(Ảnh minh họa, nguồn http://goviet.org.vn)

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Bình Định phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, bên cạnh việc thực hiện tốt quy hoạch và chính sách của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện:

Một là,khuyến khích DN thực hiện quy trình quản lý theo Chuỗi hành trình CoC FSC; sử dụng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC trong chế biến nhằm đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của EU và Hoa Kỳ.

Hai là,Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã làm tốtvai trò kết nối giữa các DN hỗ trợ nhau trong SXKD; làm tốtvai trò cầu nối giữa DN với cơ quan quản lý và các tổ chức nhằm đảm bảo sản phẩm xuất khẩu.

Ba là,Đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch Thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định; thực hiện chính sách hỗ trợ DN tham dự hội chợ, triển lãm; xây dựng và phát triển thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”.

Bốn là,Bình Định tổ chức thành công nhiều Hội chợ triển lãm chuyên ngành đồ gỗ, Festival Lâm sản Việt Nam, tạo cơ hội cho các DN trong hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm là,có chính sách đẩy mạnh việc đầu tư chuyển đổi từ đồ gỗ ngoài trời sang đồ nội thất, sử dụng các nguồn nguyên liệu đa dạng, sẵn có, dễ thay thế.

Kết quả đến nay, Bình Định đã có trên 120 DN chế biến gỗ, tổng công suất khoảng 345.000 m3/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm 25.000 lao động; Bình Định đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước. 

Về thị trường, đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, châu Âu chiếm trên 80%, có khoảng 70 DN xuất khẩu trực tiếp.

Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 373 triệu USD, chiếm 50% so tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm. Năm 2018, dự kiến tổng giá trị KNXK ngành gỗ đạt 385 triệu USD, chiếm 48% tổng KNXK toàn tỉnh.

Về mục tiêu phát triển, trong thời gian tới, Bình Định hướng đến phát triển ngành chế biến gỗ bền vững với thương hiệu “đồ gỗ Bình Định”, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, thân thiện môi trường, thỏa mãn các nhu cầu và yêu cầu của khách hàng, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất “đồ gỗ nội thất”.

Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Bình Định phấn đấu đạt 475 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 nhóm hàng này đạt trên 2 tỷ USD, tốc độ tăng trường bình quân đạt trên 8%/năm.

Để đạt mục tiêu trên, Bình Định tập trung các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, cơ quan quản lý thực hiện (1) Đề án cơ cấu lại ngành Gỗ Bình Định, tập trung phát triển sản phẩm gỗ nội thất tỉnh Bình Định đến năm 2020; (2) Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội thất; (3) Chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ; (4) Đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ để thu hút nhà đầu tư; (5) phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn; (6) Mở rộng chợ đầu mối nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến… từng bước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành chế biến gỗ Bình Định

Thứ hai, về thị trường xuất khẩu, tập trung các thị trường tiềm năng với nội dung: (1) Tuân thủ và thực hiện tốt đạo luật/ quy định với các chính sách, giải pháp lâu dài, kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gỗ xuất khẩu, đây cũng là mong muốn, và là chiến lược phát triển của các DN đồ gỗ Bình Định; (2) đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu để tăng thị phần; (3) tăng cường hợp tác với các quốc tế để quảng bá thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”.

Thứ ba, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định chủ động liên kết với các Hiệp hội cùng ngành hàng; tăng cường hợp tác phát triển ngành gỗ với các tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ), Giz (Đức)… nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ Bình Định trong chuỗi sản phẩm gỗ toàn cầu; thực hiện trách nhiệm giải trình cấp Hiệp hội về đảm bảo gỗ hợp pháp.

Với những hành động cụ thể nêu trên, tin tưởng rằng, các DN các nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cơ hội mở cửa và tiếp cận thị trường đồ gỗ; đồng thời, Bình Định sẵn sàng đón nhận hợp tác đầu tư chế biến gỗ nội thất, góp phần gia tăng kim ngạch XNK, đẩy mạnh giao thương trong những năm tiếp theo.

Tác giả bài viết: hungvm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây