Chưa có khu công nghiệp logistics
Theo GS. TS. Nguyễn Đình Đào - Đại học Kinh tế quốc dân, khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ngành logistics Việt sẽ có cơ hội hội nhập sâu hơn vào thị trường dịch vụ tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng tính thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn.
Vốn đầu tư từ các nước thành viên CPTPP và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) có trình độ phát triển cao sẽ là cơ hội mang lại lợi ích lan tỏa về công nghệ và kỹ năng quản lý hay các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Gia nhập CPTPP và EU sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là cơ sở hạ tầng logistics, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Cùng với đó, các doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp logictics Việt Nam của nước ta có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường của các nước tham gia CPTPP và EU hơn.
Tuy nhiên, cũng theo GS. Đào, hội nhập kinh tế quốc tế luôn đi kèm các rủi ro và thách thức. Quy mô doanh nghiệp thương mại logistics nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, không thể thâm nhập vào hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường yếu thế và thua thiệt so với các doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động thương mại logistics và xuất khẩu thiếu bền vững, không chi phối được thị trường, chi phí logistics cao.
Cùng với đó, tham gia vào CPTPP và EU sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, bài bản ngay từ bây giờ thì nguy cơ thua thiệt trên "sân nhà" là điều rất có thể.
Cũng theo GS. Đào, cơ sở hạ tầng thương mại và cơ sở hạ tầng logistics nói chung tuy đã được tăng cường trong những năm đổi mới, nhưng do phần lớn là theo quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xây dựng của từng ngành, dịch vụ nên thiếu tính kết nối để vận hành, khai thác hiểu quả.
“Cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu hoạt động kinh doanh, lưu thông và phân phối các sản phẩm dịch vụ, nhất là trong điều kiện hội nhập và phát triển. Điều này làm ảnh hưởng không những trực tiếp tới phân phối, lưu thông sản phẩm, hiệu quả kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường và cả chất lượng tăng trưởng hiện nay” – GS. Đào nhấn mạnh.
GS. Đào băn khoăn, đáng tiếc là cả nước có tới 325 khu công nghiệp với gần 95 ngàn ha, nhưng đến nay chưa có lấy một khu công nghiệp logistics.
Cần đầu tư xây dựng các trung tâm logistics
Theo GS. Đào, để phát triển ngành logistics, tận dụng được cơ hội mà các FTA mang lại, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật về logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường.
Đồng thời, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến logistics trong Luật Thương mại, không chỉ dừng lại ở các dịch vụ logistics, để tạo nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò và vị trí của logistics. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý logistics, nhất là chính sách phí, lệ phí, tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam đồng bộ, hiện đại. Trước hết cần ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có.
Mặt khác, cần đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hạng 1 theo chuẩn mực quốc tế tại các điểm giao cắt vận tải thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế nhằm kết nối các phương thức vận tải, thực hiện liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương và doanh nghiệp./.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam
Tác giả bài viết: cuongnm
Ý kiến bạn đọc