Công ty CP May An Nhơn tiền thân là một xí nghiệp trực thuộc Công ty CP MayBình Định, chỉ có khoảng 300 lao động, điều kiện sản xuất thấp, máy móc thiết bị ít ỏi, lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn, năng suất thấp, … dẫn đến đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn và tình hình nhân sự liên tục biến động… Sau khi trở thành thành viên của Tổng Công ty CP May Nhà Bè, dưới sự hỗ trợ tích cực từ Tổng Công ty cả về nhân lực lẫn vật lực, Công ty CP May An Nhơn dần khởi sắc và đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Đến nay Công ty CP May An Nhơn đã mở rộng phát triển lên 4 xí nghiệp với quy mô và đa dạng sản phẩm ngành may mặc, phục vụ cho nhiều khách hàng, đối tác hàng đầu trên thế giới; có một đội ngũ nhân sự quản lý khá chuyên nghiệp, lực lượng công nhân với tay nghề cao được đào tạo bài bản. Chất lượng sản phẩm đáp ứng với khách hàng và thị trường khó tính đã giúp giá trị sản xuất của Công ty CP May An Nhơn luôn tăng trưởng.
Khen thưởng các cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Nếu năm 2009 chỉ có 300 lao động với mức lương bình quân là 1,4 triệu đồng/tháng, sản lượng đạt 1,4 triệu sản phẩm, doanh thu gia công đạt 27 tỷ đồng, nộp ngân sách 370 triệu đồng, thì nay sau 10 nămđã có thu hút gần 1.300 lao động với mức lương bình quân trên 6,6 triệu đồng/tháng, sản lượng vượt trên con số 5,2 triệu sản phẩm/năm, doanh thu đạt khoảng 146,5 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,2 triệu USD, nộp ngân sách 12 tỷ đồng. Đáng chú ý là có trên 91% cán bộ, công nhân viên toàn Công ty được tham gia đóng bảo hiểm. Đạt được thành quả này ngoài nỗ lực của Công ty CP May An Nhơn là sự đầu tư lớn của Tổng Công ty CP May Nhà Bè khi trực tiếp dịch chuyển đơn hàng, cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi của Tổng Công ty để điều hành sản xuất, chuyển giao công nghệ, huấn luyện nhân lực ngay tại địa phương… Chính điều đó đã tạo nên một bước ngoặt cho sự lớn mạnh của Công ty CP May An Nhơn hôm nay nói riêng và ngành may mặc của tỉnh Bình Định nói chung.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 47 nhà máy, phân xưởng đã đi vào hoạt động sản xuất, với tổng công suất thiết kế gần 38 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, giải quyết gần 15.000 lao động.Các nhà máy chủ yếu được phân bố ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là tại huyện Hoài Nhơn (chiếm 51% công suất), TP. Quy Nhơn (15%) và thị xã An Nhơn (15%).Trong đó, Tổng Công ty CP May Nhà Bè với 8 nhà máy đang hoạt động, có tổng công suất thiết kế gần 20 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng đã có những đóng góp quan trọng, quyết định cho sự phát triển của ngành công nghiệp may mặc tỉnh nhà.
Quang cảnh tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty CP May An Nhơn
Giai đoạn (2010-2018), ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22,8%/năm (toàn ngành công nghiệp tăng 9,6%/năm), kim ngạch xuất khẩu đạt 55,4%/năm (toàn tỉnh tăng 8,1%/năm), đến năm 2018 đạt 163 triệu USD, chiếm 20,4% so tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may Bình Định hầu hết được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, tập trung nhiều nhất là thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55%); EU (chiếm 34%); Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường nội địa chiếm khoảng 1%.
Có thể nói, ngành may mặc là một trong số ít ngành công nghiệp của tỉnh, mặc dù trong bối cảnh vô cùng khó khăn của nền kinh tế, đã đứng vững và phát triển vượt bật, ngày càng có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng. Ngành may mặc tỉnh nhà đang cùng với ngành may mặc cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, thực hiện thành công chủ trương “ly nông bất ly hương”. Đạt được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp ngành may mặc của tỉnh, chiến lược đầu tư phát triển đúng đắn của Tổng Công ty CP May Nhà Bè tại Bình Định, những năm qua, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong tỉnh./.
Tác giả bài viết: hanhnt
Ý kiến bạn đọc