Thúc đẩy liên kết vùng - đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

Thứ ba - 23/05/2023 16:40 978 0
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng, là nguồn động lực, đầu tàu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết để cùng phát triển thông qua nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch; tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục bằng các giải pháp đột phá, đồng bộ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động liên kết vùng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe báo cáo quy hoạch mở rộng sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: VGP
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe báo cáo quy hoạch mở rộng sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: VGP

Thực trạng liên kết, hợp tác vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện nay
Liên kết vùng được hiểu là những mối quan hệ phối hợp, hợp tác thường xuyên, ổn định trong các hoạt động (trên nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó, lĩnh vực kinh tế có vị trí trọng tâm) do các địa phương, đơn vị trong một vùng thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và bảo đảm lợi ích cho các địa phương tham gia. Liên kết vùng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như liên kết ngành, liên kết giữa các chủ thể chức năng và liên kết không gian (bao gồm liên kết nội vùng và liên vùng,...). Thực tế, mỗi vùng thường bao hàm hầu hết sự tác động tổng hợp của các hình thức liên kết trên. Hiện nay, liên kết vùng là yếu tố quyết định việc hình thành vùng quy hoạch và các liên kết, hợp tác trong phát triển các ngành kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của vùng; thể hiện nhu cầu vừa tất yếu, vừa có tính bắt buộc trong hợp tác và hội nhập quốc tế trước xu hướng toàn cầu hóa đối với vùng và mỗi quốc gia.
Vùng kinh tế trọng miền Trung (KTTĐMT) được thành lập thành lập vào năm 1997, bao gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); đến năm 2004, theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg, ngày 13-8-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”, vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định; có diện tích 27.884 km2 (chiếm 8,4% diện tích của cả nước, đứng thứ hai trong bốn vùng kinh tế trọng điểm); dân số khoảng 6,55 triệu người, bằng 7,0% dân số cả nước, đứng thứ ba trong bốn vùng kinh tế trọng điểm (năm 2020); là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với tổng thể khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian qua, hoạt động liên kết vùng ở vùng KTTĐMT đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thể hiện trên những nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, về xây dựng quy hoạch phát triển vùng và các ngành kinh tế
Các địa phương trong vùng KTTĐMT có sự đồng thuận và thống nhất hợp tác trong một số dự án, kế hoạch phát triển chung của vùng; tiến hành rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm phân bổ lại lực lượng sản xuất theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; liên kết để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, đồng thời tăng cường các hình thức doanh nghiệp vệ tinh; hạn chế sự trùng lặp về cơ cấu ngành, sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, các tỉnh, thành phố cũng hướng đến đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên quy mô toàn vùng.
Thứ hai, về thu hút và phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Hiện nay, mật độ kinh tế của vùng KTTĐMT là khoảng 15,4 tỷ đồng/km(năm 2019), trong đó, dẫn đầu là thành phố Đà Nẵng với mật độ 86,2 tỷ đồng/km2 (gấp 9 lần so với tỉnh thấp nhất là Quảng Nam), các tỉnh còn lại đều thấp hơn so với mật độ chung của cả nước (18,2 tỷ đồng/km2). Thực tế, tồn tại khoảng cách chênh lệch lớn về mật độ kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa vùng với trung tâm vùng là một bất lợi không nhỏ trong quá trình xây dựng định hướng và chính sách phát triển chung làm gia tăng sự phức tạp, khó khăn trong triển khai chính sách phát triển vùng.
Các địa phương cũng chú trọng, nỗ lực xây dựng cơ chế đặc biệt và đầu tư nguồn lực thỏa đáng nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển chuỗi sản phẩm toàn vùng trên cơ sở ưu tiên phát triển dựa trên đặc thù, lợi thế nổi trội từng địa phương. Bên cạnh đó, đề ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đột phá, như áp dụng các thể chế mới nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp thông lệ quốc tế; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng, đẩy mạnh sự hình thành và phát triển các khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội,... để tạo “cú hích” để phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí, đóng tàu biển, luyện cán thép, container,... cũng như các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và các khu giải trí,... Tính đến tháng 6-2021, toàn vùng có 1.377 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 18,9 tỷ USD, chỉ chiếm tỷ lệ 4,76% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước. Đây là hạn chế của vùng trong tận dụng nguồn lực bên ngoài để phát triển khi mà năng lực nội tại chưa tạo được nền tảng đủ mạnh trong tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, về lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế
Vùng đã và đang hình thành ba trục giao thông Bắc - Nam chính, gồm quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các đường ven biển; có 7 trục ngang chính là quốc lộ 49, 14B-14D, 24, 24C, 19 và 40B. Ngoài ra, đường sắt Bắc - Nam là trục dọc chạy qua vùng, song song với các trục quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh; vùng hiện nay có 4 sân bay (2 sân bay quốc tế là sân bay Đà Nẵng và sân bay Phú Bài, sân bay trung chuyển hàng hóa Chu Lai và Bình Định được sử dụng, đáp ứng nhu cầu giao thương của các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội).
Mặt khác, các địa phương trong vùng chủ động phối hợp, liên kết thực hiện một số nhiệm vụ có tính đột phá theo chính sách của Nhà nước, như đầu tư xây dựng đường cao tốc từ Khu công nghiệp Liên Chiểu - Đà Nẵng nối với Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi nhằm xây dựng đồng bộ tuyến đường ven biển dọc các tỉnh, thành phố,...; xây dựng sân bay quốc tế và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô lớn tại thành phố Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu của thành phố và phục vụ các địa phương khác trong vùng cùng khai thác, phát triển.
Thứ tư, về các hoạt động phát triển ngành du lịch
Các địa phương ngày càng chú trọng hơn việc hợp tác phát triển kinh tế du lịch, nhất là các chương trình nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, đồng thời tăng số lượt, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch, mang lại nhiều bước đột phá tích cực cho bộ mặt ngành du lịch ở các tỉnh, thành phố vùng KTTĐMT. Thêm vào đó, đẩy mạnh công tác xây dựng sản phẩm du lịch, hình thành và xác lập các tua du lịch liên vùng, cụ thể: các sở du lịch ở các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đã ký kết văn bản hợp tác liên kết phát triển kinh tế du lịch với các chuỗi sự kiện: “Đà Nẵng biển gọi” (thành phố Đà Nẵng), “Hành trình di sản” (tỉnh Quảng Nam), “Lăng Cô huyền thoại biển” (tỉnh Thừa Thiên Huế); cùng phối hợp sản xuất các chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh, thành phố, như phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo gắn liền với việc tìm hiểu văn hóa vùng biển, đảo (biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên Huế), bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đảo Cù Lao Xanh, bán đảo Phương Mai (tỉnh Bình Định),...); các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử gắn với các di tích, di sản văn hóa, như Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), quần thể Tháp (tỉnh Bình Định),...; các sản phẩm du lịch sinh thái, như miền sơn cước A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bà Nà (thành phố Đà Nẵng), Hồ Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), Lũng Ò Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), Hầm Hô (tỉnh Bình Định),... Đặc biệt, việc liên kết sẽ tập trung vào xây dựng bộ nhận diện chung cho các sản phẩm du lịch nổi bật từng địa phương (logo, slogan, ấn phẩm, vật phẩm, tập gấp chương trình,...).
Thứ năm, về đẩy mạnh hoạt động liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với liên vùng và liên quốc gia
Tháng 7/2012, là Trưởng ban điều phối khu vực Duyên hải miền Trung, thành phố Đà Nẵng đã chủ trì tổ chức Hội nghị liên kết vùng, với sự tham gia của 5 tỉnh, thành phố thuộc VKTTĐMT và 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Tại Hội nghị này, lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố đã đồng thuận ký kết Biên bản cam kết với các nội dung sẽ được tiến hành lựa chọn thực hiện liên kết, như cùng nghiên cứu để phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng,...
Thực tế, vùng KTTĐMT có nhiều năng lực liên kết với các vùng và cả nước trên nhiều lĩnh vực, như vận tải, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản,... Khi hệ thống đường giao thông được đầu tư và hoàn thiện sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển kinh tế với các đơn vị, tổ chức quốc tế. Tuy vậy, đến nay, các hoạt động liên kết giữa vùng KTTĐMT với liên vùng và liên quốc gia vẫn chưa có bước tiến bộ thực chất và đột phá.
Một số khó khăn, hạn chế
Một là, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành chưa chú trọng đúng mức đến vai trò, tiềm năng từng vùng về điều kiện kinh tế - xã hội và trong mối liên hệ quy hoạch tổng thể quốc gia; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, tình trạng quy hoạch ở cấp địa phương diễn ra dàn trải, chưa tính đến lợi ích kinh tế chung và lợi ích cộng đồng, khiến lãng phí nguồn lực và khó khăn trong thực hiện. Tuy một số địa phương chủ động ký kết nhiều văn bản hợp tác, liên kết, song các cam kết mới chỉ có tính chất đồng thuận về nguyên tắc, chủ yếu dừng lại ở việc tham quan, hội thảo, chưa triển khai cụ thể, chưa mang tính thực tế, có chiều sâu và toàn diện.
Hai là, chưa có nhiều hoạt động phối hợp, cộng tác giữa các địa phương trong hỗ trợ các doanh nghiệp để hình thành cụm liên kết ngành; giữa các khu công nghiệp trong từng địa phương và giữa các khu công nghiệp trong vùng có cơ cấu huy động ngành - hàng tương tự nhau, nên chưa hình thành các cụm ngành có mối liên kết theo chuỗi ngành - hàng (hiện nay các doanh nghiệp chế biến nông sản chưa có liên kết đủ lớn với vùng nguyên liệu nông nghiệp). Mặt khác, vùng KTTĐMT chưa có địa bàn phát triển thật sự mạnh mẽ, khác biệt so với các địa phương khác, có khả năng tạo được sức lan tỏa chung; thêm vào đó, “tính vùng” vẫn không lấn át được “tính địa phương”, dẫn đến chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng phát triển của vùng.
Ba là, các tỉnh, thành phố vẫn phát triển theo tư duy kinh tế cục bộ, địa phương, thậm chí, thường xuất hiện một số xung đột lợi ích giữa các địa phương trong vùng bởi thiếu sự liên kết, phối hợp trong phát triển; cơ chế điều phối, hợp tác phát triển vùng đã được ban hành (như Ban Chỉ đạo vùng, Hội đồng vùng,...), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả. Hiện nay, Hội đồng vùng không có thẩm quyền trong việc quyết định tài chính, ngân sách cho các dự án mang tính liên vùng; chưa đủ bảo đảm bộ máy vùng có thực quyền trong việc điều phối hoạt động và ra quyết định hay thực thi quyết định liên quan tới quản lý, quy hoạch phát triển toàn vùng.
Bốn là, thiếu các cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch phát triển khu công nghiệp, đô thị của vùng, dẫn đến tình trạng phát triển chồng chéo giữa các khu công nghiệp trên địa bàn từng địa phương; sự phát triển kém hiệu quả và thiếu bền vững (nhất là các chính sách phát triển khu đô thị, khu công nghiệp trong vùng đều theo hướng mở rộng chiều rộng nhằm lấp kín không gian); hệ thống kết cấu hạ tầng nhiều nơi bị dàn trải, phân tán, manh mún, nên khó mở rộng, nâng cấp hay hiện đại hóa. Sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng ít đi vào thực tiễn, chỉ dừng lại ở mức độ cam kết, thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương; cơ chế liên kết phát triển kinh tế của các địa phương còn hạn hẹp, đơn điệu, chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động mà chủ yếu là liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương giáp ranh.
Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian tới
Thứ nhấttập trung xây dựng quy hoạch phát triển vùng và ngành, đồng thời liên kết, phối hợp đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội
Thống nhất về mặt chủ trương, kinh phí và có đầu mối cụ thể để tính toán giải pháp phối hợp hằng năm; đưa ra định hướng, cách thức xử lý tốt nhất cho mỗi vấn đề phát sinh, từ đó tạo ra không gian kinh tế thống nhất, hạn chế các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng. Ở mỗi tỉnh, thành phố, các cơ quan lãnh đạo, quản lý thực hiện trao đổi các bản tin, chương trình hoạt động, đặc biệt là báo cáo về các chủ đề doanh nghiệp quan tâm nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác công - tư, cùng nhau giải quyết các vấn đề chưa có sự nhất quán.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng để phân bổ lại lực lượng sản xuất theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; quy hoạch ngành đơn lẻ (quy hoạch hệ thống giao thông, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất,...) phải tuân thủ quy hoạch tổng thể của vùng, tránh gây lãng phí, chồng chéo giữa các quy hoạch.
Thay đổi dần tư duy trong thu hút đầu tư, chuyển từ hình thức “địa phương chọn nhà đầu tư” sang “tạo điều kiện cho nhà đầu tư chọn địa phương”; cởi bỏ áp lực tăng trưởng của từng địa phương, hy sinh lợi ích của địa phương vì sự phát triển bền vững, có tính thống nhất trong toàn vùng. Đồng thời, điều chỉnh phát triển đô thị và khu công nghiệp gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội), đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp tập trung.
Thứ hai, thúc đẩy, tăng cường liên kết trong xây dựng chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; đồng thời, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Thời gian tới, cần nghiên cứu, ban hành chính sách phát triển thống nhất cho toàn vùng, nhất là chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, như ưu đãi đối với các dự án có quy mô vốn lớn và thu hút nhiều lao động; ưu đãi đối với các ngành, nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp và dịch vụ; tăng cường các hình thức đầu tư mang lại nhiều lợi ích, nhất là hình thức đầu tư nước ngoài (FDI, ODA, NGO). Chính sách hỗ trợ cần có tính thống nhất, đồng bộ trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, như hỗ trợ miễn phí sử dụng hạ tầng trong thời gian đầu từ 1 - 5 năm; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, xây dựng hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ và đăng ký chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ một phần chi phí tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước cho doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang ngành, nghề khác, phát triển khu đô thị - dịch vụ gắn với khu công nghiệp; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động tại chỗ của các địa phương trong vùng,...
Thứ ba, ban hành, đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách trong liên kết vùng; đa dạng hóa các loại hình liên kết
Nâng cao vai trò của chính quyền các địa phương trong kiến tạo môi trường phát triển, thúc đẩy đầu tư và liên kết các tỉnh, thành phố trong xây dựng mô hình quản trị liên kết vùng dựa trên sự tham gia của cả Nhà nước và thị trường; ban hành các chính sách có định hướng và điều tiết vĩ mô, ưu tiên, tạo môi trường hấp dẫn nhằm thu hút các yếu tố nguồn lực bên ngoài; xây dựng kế hoạch cụ thể trong các thời kỳ phát triển trung hạn và ngắn hạn trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp, đô thị của vùng gắn với phát triển bền vững. Tăng cường cơ chế liên kết phát triển kinh tế dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động; công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và từng địa phương, nhất là các chương trình, dự án, đề án liên kết phát triển ngành, lĩnh vực thông qua cổng thông tin điện tử của từng địa phương, cổng thông tin điện tử chung của toàn vùng,... nhằm thuận lợi hóa việc tiếp cận thông tin pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đa dạng hóa các loại hình liên kết kinh tế, gồm liên kết toàn vùng, liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên kết giữa các khu kinh tế, khu công nghệ cao, liên kết giữa vùng với các địa phương, khu vực trong cả nước, liên kết quốc tế,... thông qua các biên bản ghi nhớ, cam kết trách nhiệm, các quy chế hoạt động hoặc các hợp đồng liên kết. Nội dung của hợp tác kinh tế cần đa dạng, phong phú, có trọng tâm và phù hợp với yêu cầu phát triển của toàn vùng và của từng địa phương, như phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh và quốc tế, du lịch, kinh tế biển, đào tạo nghề, phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại,.../.

(nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn)

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây