Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên giúp ngành dệt may phát triển bền vững

Thứ tư - 11/09/2019 23:59 548 805
Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỷ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào kinh tế của cả nước. Việc cải thiện sử dụng hiệu quả tài nguyên như năng lượng, hạn chế ô nhiễm từ chất thải hóa chất, nước thải... sẽ giúp ngành phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ mới trong nhà máy giặt (wash) tại Công ty PPJ giúp tiết kiệm nước và điện năng
Ứng dụng công nghệ mới trong nhà máy giặt (wash) tại Công ty PPJ giúp tiết kiệm nước và điện năng

Chú trọng đầu tư công nghệ

Nằm trong kế hoạch dài hạn nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, góp phần đưa ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trở thành một trung tâm cung cấp sản phẩm dệt may chủ chốt của Châu Á, Chương trình cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên Việt Nam - một sáng kiến của Công ty Tài chính quốc tế IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới) đã góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên trong các ngành may mặc, dệt, da giày. Tính đến nay, IFC hiện đang làm việc với 70 nhà máy dệt may, da giày của Việt Nam và những DN này đều đang là cung cấp cho các nhà bán lẻ và công ty may mặc lớn toàn cầu bao gồm Adidas, New Balance, Puma, Tập đoàn Target, Tập đoàn VF...

Chứng minh từ thực tế DN, bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú - PPJ cho biết, với 20 nhà máy và 14.000 công nhân sản xuất, cung ứng các sản phẩm may mặc bằng vải jean, dệt kim và dệt thoi cho các thương hiệu lớn trên thế giới, PPJ đã triển khai các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên trước tiên tại nhà máy giặt (wash). Hiệu quả mang lại lạ không chỉ có thêm các đơn hàng mới, các biện pháp này đã giúp PPJ tiết giảm được lượng điện sản xuất gần 7 triệu kWh/năm, và tiết kiệm được 200.000 m3 nước/năm. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được 700.000 USD/năm, đồng thời tăng lương cho công nhân, khuyến khích họ ở lại làm việc cho công ty.

Hay tại Công ty TNHH Samil Vina, một nhà cung cấp chiến lược của Target đã thực hiện đầu tư 4 triệu USD lắp đặt các máy nhuộm tiên tiến hơn, nhờ đó giảm sử dụng một cách đáng kể nước, năng lượng, và hóa chất dùng để nhuộm vải. Ông I.B.Park - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samil Vina cho biết các máy nhuộm vải mới với dung tỷ (MLR) thấp đã giúp Samil Vina giảm lượng tiêu dùng nước, hóa chất và năng lượng khoảng 45%. Hệ thống mới cũng giúp giảm thời gian sản xuất khoảng 17%. Cách tiếp cận mới này cho phép Samil Vina tiết kiệm được 2 triệu USD chi phí vận hành một năm. Nhờ đó, công ty có thể tăng lương cho người lao động khoảng 60% chỉ trong vòng một năm kể từ khi lắp đặt máy nhuộm vải mới.

Đầu tư cho sản xuất sạch một cách bền vững

Chất thải hóa chất từ ngành dệt nhuộm được xem là tác nhân gây ô nhiễm nước lớn thứ hai tại Việt Nam. Các nhà máy dệt may của Việt Nam cũng nằm trong số những nhà máy sử dụng năng lượng nhiều nhất trên thế giới, sử dụng đến 1/10 tổng tiêu dùng năng lượng của tất cả các ngành công nghiệp trong cả nước. Vì thế đầu tư cho sản xuất sạch cũng là cách giúp ngành công nghiệp dệt may phát triển bền vững.

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC cho biết, Chương trình cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên Việt Nam của IFC mang đến cơ hội giúp các DN dệt may Việt Nam phát triển bền vững hơn. Cụ thể từ năm 2016, chương trình đã hỗ trợ 70 nhà máy đầu tư 26 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp họ tiết kiệm được 24 triệu USD dưới hình thức tiết giảm chi phí sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Dự kiến chương trình được triển khai toàn diện trong ba năm tới, với tổng đầu tư 40 triệu USD để nâng cấp và trang bị các thiết bị sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, các nhà máy tham gia chương trình sẽ tiết kiệm được 4 triệu m3 nước và cắt giảm được 788.500 tấn phát thải khí nhà kính một năm. Chỉ tính riêng ngành dệt may, mức tiêu dùng năng lượng có thể giảm khoảng 30% nhờ vào việc nâng cấp công nghệ và cải thiện việc sử dụng tài nguyên.

Cũng với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên phát triển bền vững ngành dệt may về dài hạn Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN phối hợp với các nhà khoa học, tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ về tiết kiệm điện năng; nhân rộng những mô hình ứng dụng hiệu quả. Các Bộ, ngành liên quan cần thiết phải xây dựng quy định tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu cho từng lĩnh vực, tiêu chuẩn hiệu suất… Đối với các DN cần phải thay đổi tư duy về tiết kiệm năng lượng, đầu tư cho sản xuất sạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất. Về lâu dài, cần có cơ chế hoạt động minh bạch cho các công ty dịch vụ năng lượng, công ty tìm kiếm giải pháp tài chính hỗ trợ DN triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng, từng bước hình thành quỹ quay vòng vốn cho DN.

Tác giả bài viết: hungvm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây