Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) vẫn còn một số nội dung đang chờ xin ý kiến của Thường trực Chính phủ

Thứ năm - 28/07/2022 16:13 312 0
Ngày 25/7/2022, Bộ Công Thương có Văn bản số 4329/BCT-ĐT về việc báo cáo các nội dung của Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Bộ Công Thương nêu một số vấn đề xin ý kiến Thường trực Chính phủ.
Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) vẫn còn một số nội dung đang chờ xin ý kiến của Thường trực Chính phủ
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021; Tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 08/10/2021 và Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần phải rà soát lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua nhiều lần rà soát, điều chỉnh Đề án Quy hoạch điện VIII, đến nay Bộ Công Thương nêu các vấn đề xin ý kiến Thường trực Chính phủ để hoàn thiện Đề án Quy hoạch điện VIII.
1). Xin ý kiến Thường trực Chính phủ việc loại bỏ các dự án nhiệt điện than không còn phù hợp (trước đây đã đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII) nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, lần thứ 26 (Hội nghị COP26).
2). Về các dự án điện mặt trời
(i). Tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW. Việc đẩy lùi các dự án này ra sau năm 2030 sẽ gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư.
(ii). Giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư sang giai đoạn sau năm 2030. Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời.
3). Quy hoạch điện VIII là một phần của Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia và Bộ Công Thương xét thấy cơ bản phù hợp, không vi phạm với các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4). Kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 như sau:
(i). Trường hợp không xem xét đưa 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời nêu trên vào vận hành trước năm 2030 thì cơ cấu chi tiết các nguồn điện đến năm 2030 trong tổng công suất các nhà máy điện khoảng 120.995-145.930 MW sẽ là: thủy điện (cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795-28.946 MW (chiếm tỷ lệ 19,8-22,1%); nhiệt điện than 37.467 MW (chiếm tỷ lệ 27,8%); nguồn nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) đạt 29.880-38.980 MW (chiếm tỷ lệ 24,7-26,7%); nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…) đạt 21.666-33.087 MW (chiếm tỷ lệ 17,9-22,7%); nhập khẩu điện 3.937-5.000 MW (chiếm tỷ lệ 3,3-3,4%).
(ii). Trường hợp xem xét tính đến 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời nêu trên đưa vào vận hành trước năm 2030 thì cơ cấu chi tiết các nguồn điện đến năm 2030 cụ thể như sau: Tổng công suất các nhà máy điện đạt khoảng 120.995-148.358 MW, trong đó: thủy điện (cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795-28.946 MW (chiếm tỷ lệ 19,5-22,1%); nhiệt điện than 37.467 MW (chiếm tỷ lệ 25,3-31%); nguồn nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) đạt 29.880-38.980 MW (chiếm tỷ lệ 24,7-26,3%); nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…) đạt 21.666-35.516 MW (chiếm tỷ lệ 17,9-23,9%); nhập khẩu điện 3.937-5.000 MW (chiếm tỷ lệ 3,3-3,4%).
Đối với tỉnh Bình Định, có dự án Điện mặt trời Phù Mỹ 1 và Điện mặt trời Phù Mỹ 3 đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, đã thi công hoàn thành nhưng chưa đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 114 MWp (Điện mặt trời Phù Mỹ 1 còn 83 MWp và Điện mặt trời Phù Mỹ 3 còn 31 MWp). Đối với dự án điện gió, Bình Định có dự án điện gió Nhơn Hội - Giai đoaṇ 2, với công suất 30 MW đã hoàn thành toàn bộ khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị; đã được Cục Điều tiết điện lực cấp Giấy phép hoạt động điện lực; đã hòa lưới, phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia và đã được ghi nhận dữ liệu trên phần mềm điện tử của ngành điện. Tuy nhiên, Dự án chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (COD), do chưa hoàn thành hết các quy trình thử nghiệm để được công nhận COD. Hiện nay các Dự án điện gió và điện mặt trời này không được phát điện, đang chờ cơ chế mới về giá mua bán điện để áp dụng thực hiện.

Tác giả bài viết: Trần Thúc Kham

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây