Sở Công Thương Bình Định tăng cường Cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai - 08/06/2020 23:59 182 212
Cải cách Thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong các nội dung cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Lãnh đạo Sở Công Thương đã rất quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức thực hiện TTHC tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Sở Công Thương có 122 TTHC (trong đó có 108 TTHC không liên thông và 14 TTHC liên thông) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở, đã được công bố đầy đủ, kịp thời theo quy định về nghiệp vụ kiểm soát  TTHC và đã được niêm yết công khai toàn bộ trên Trang thông tin điện tử của Sở Công Thương (http://sct.binhdinh.gov.vn) và trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (https://dichvucong.binhdinh.gov.vn), việc công khai  đầy đủ các thông tin về thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết công việc, các khoản phí và lệ phí … của TTHC một cách rõ ràng và dễ hiểu thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, cá nhân và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan nhà nước, tạo sự an tâm, tin tưởng của người dân đối với cơ quan nhà nước.

Hàng năm, Sở Công Thương chủ động đăng ký với UBND tỉnh danh mục TTHC được rà soát, xây dựng Kế hoạch rà soát, đánh giá, kiểm soát TTHC, triển khai thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; Sở đã nghiên cứu, đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết một số TTHC so với quy định phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm góp phần giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC. Đến năm 2020, Sở đã đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết TTHC cho 28/122 TTHC đạt tỉ lệ 22,9% (vượt chỉ tiêu 20% của UBND tỉnh).

Căn cứ vào tình hình thực tế phát sinh hồ sơ và đặc điểm các TTHC, Sở Công Thương rà soát, lựa chọn và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin – Truyền thông cung cấp 04 dịch vụ công trực truyến mức độ 3 (đối với 04 TTHC: Kiểm tra và cấp Giấy  xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho  tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền cấp của Sở Công Thương; Đăng ký hoạt động khuyến mại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam)  và 02 dịch   vụ công trực tuyến mức độ 4 (đối với 2 TTHC: Thông báo hoạt động khuyến mại; Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại) và có giải pháp khuyến khích (như ưu tiên giải quyết trước hạn đối với các hồ sơ nộp trực tuyến), hướng dẫn sử dụng để thông báo cho tổ chức, cá nhân biết thực hiện; sau khi triển khai đã đảm bảo 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ đạt tỉ lệ cao. Bên cạnh đó, Sở cũng đã triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Kết quả đã góp phần giảm đáng kể về chi phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC, đồng thời cũng tránh được lãng phí ngân sách nhà nước cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhưng TTHC không phát sinh hồ sơ giao dịch.

Sở Công Thương đã thực hiện 100% TTHC được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết bằng phần mềm Một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thuận lợi cho tổ chức cá nhân nộp, tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Sở Công Thương cũng đã bố trí 01 công chức chính thức và 05 công chức dự bị đáp ứng đầy đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức kỷ luật, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân thực hiện hỗ trợ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Sở Công Thương cũng đã công khai các thông tin, địa chỉ và đường dây nóng để tổ chức, cá nhân phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trang thông tin điện tử của Sở. Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã nhận và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện một số TTHC, chưa có phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, công tác cải cách TTHC ở Sở Công Thương trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn như:

- Theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính, đối với các TTHC được ban hành kèm theo các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Công Thương chỉ được thực hiện tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục TTHC ban hành mới, sửa đổi bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương khi các bộ chủ quản chủ trì soạn thảo ban hành quyết định công bố. Tuy nhiên, một số TTHC vẫn còn bị các bộ chủ quản công bố chậm so với quy định, do đó Sở Công Thương cũng chậm tham mưu UBND tỉnh công bố và gặp khó khăn trong việc xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC, triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả bằng phần mềm Một cửa điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

 

Hội thảo các vấn đề về thủ tục hành chính với việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến, Một cửa điện tử, ISO điện tử trên địa bàn tỉnh

- Tỉ lệ TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao 6/122 TTHC (tương đương 4,9%). Nguyên nhân: Tỉ lệ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương có phát sinh hồ sơ  trong 10 năm qua rất thấp (khoảng 31/122 TTHC tương đương 25,4%) trong đó hầu hết các TTHC đó có thành phần hồ sơ phức tạp, trong khi trình độ, phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin của tổ chức cá nhân thực hiện TTHC chênh lệch nhiều, còn nhiều hạn chế và thời gian thực hiện lặp lại TTHC rất dài (3 năm đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm, 5 năm đối với lĩnh vực xăng dầu, 10 năm đối với lĩnh vực điện và khí hóa lỏng,..) do đó tỉ lệ phát sinh hồ sơ điện tử cho các TTHC đó rất thấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước cho việc cung cấp dịch vụ công mức độ cao.

Để thực hiện tốt hơn công tác cải cách TTHC, đề nghị Chính phủ và các Bộ, Ngành xem xét:

Tiếp tục cải cách thể chế, xây dựng hành lang pháp lý để thuận tiện cho việc xây dựng và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với hầu hết các TTHC một cách thiết thực, hiệu quả và đúng theo quy định pháp luật.

Tiếp tục rà soát, xem xét cắt giảm các điều kiện sản xuất, kinh doanh không cần thiết, các nội dung quản lý bị chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Các Bộ chủ quản chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC cần kịp thời công bố công khai các TTHC đúng theo quy định hiện hành, để các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý ở các cấp địa phương đúng thời gian theo quy định và thuận tiện hơn trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo thực hiện đầy đủ, chính xác, đồng bộ, thống nhất, minh bạch kịp thời các quy định TTHC, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính và trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp./.

Tác giả bài viết: kien

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây