Tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thứ sáu - 23/09/2022 07:35 779 0
Trong 9 tháng năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới Omicron trong quý I đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp, thương mại (CNTM) trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tình hình xung đột vũ trang, chiến lược thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, xăng dầu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu... đã tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển CNTM năm 2022; tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai các phương án, biện pháp, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ SXKD và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động SXKD, dự trữ hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường, phục vụ tốt dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phục hồi và phát triển SXKD sau dịch bệnh Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng DN, hoạt động CN-TM trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022 có sự tăng trưởng, tình hình và kết quả cụ thể như sau:
Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số SXCN tháng 9/2022 ước tăng 7,92% so cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, chỉ số SXCN ước tăng 7,09% so cùng kỳ; trong đó: Công nghiệp khai thác giảm 30,29%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,73%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 22,19%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,09% so với cùng kỳ.
Hoạt động SXCN trong 9 tháng năm 2022 có sự tăng trưởng nhờ một số sản phẩm đang trong vụ sản xuất vẫn tiếp tục ổn định vì có nhiều DN đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm sản xuất ổn định và tăng sản lượng phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Trong 22 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 08 sản phẩm tăng cao hơn mức tăng chung toàn tỉnh: Phi lê cá các loại (+67,2%); Tôm đông lạnh (+46,5%); Điện sản xuất (+33,5%); Dăm gỗ (+32,8%); Bộ com-lê, quần áo đồng bộ (32,1%); Bia đóng chai (+23,5%); Bàn bằng gỗ các loại (+14,3%); Ghế khác có khung bằng gỗ (+12,3%)...; Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ như: Quặng inrmenit và tinh quặng inrmenit (-76%); Tấm lớp bằng kim loại (-51,1%); Sữa và kem cô đặc (-17,7%); Gạch xây (-15,7%); …
Nhìn chung SXCN 9 tháng có mức tăng trưởng khá. Một số ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả, tiếp tục có bước phát triển như sản xuất và phân phối điện nhờ có một số lượng mưa lớn cung cấp nước cho các hồ thủy điện tích được nước nên sản lượng tăng cao, một số dự án điện gió, điện mặt trời và thủy điện đi vào hoạt động phát huy hết công suất; ngành thủy sản đã tìm được đầu ra cho sản phẩm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đơn hàng xuất khẩu tiếp tục tăng cao nhờ tận dụng lợi thế từ Hiệp định EVFTA; sản xuất đồ uống, nước giải khát tăng do nhu cầu tiêu dùng trong các hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí hoạt động mạnh mẽ trở lại trên địa bàn tỉnh sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19; Chế biến dăm gỗ tăng do xuất khẩu của sản phẩm dăm gỗ, viên nén gỗ tăng, nhất là viên nén gỗ phục vụ nhu cầu thiếu hụt năng lượng, do các nước chuyển dần sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch như than, dầu
Về hoạt động thương mại trong trong 9 tháng năm 2022 với sự sôi động của thị trường hàng hóa nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, vui xuân đón Tết của nhân dân và các ngày ngày lễ lớn của năm (Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3, giải phóng miền Nam 30/4, ngày Quốc tế lao động 01/5, ngày Quốc khánh 02/9) nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh thực sự sôi động đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động thương mại và dịch vụ đã khởi sắc trở lại, đặc biệt dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp bắt đầu từ gần cuối tháng 3/2022 đến nay; nhiều DN, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá. Hoạt động ngoại thương vẫn giữ được nhịp tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 9/2022 ước đạt 8.296 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 69.452,9 tỷ đồng, tăng 19,2% so cùng kỳ, đạt 79,2% so với kế hoạch năm 2022
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 9/2022 ước đạt 139,7 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, KNXK ước đạt khoảng 1.263,6 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ, đạt 93,6% kế hoạch năm 2022. Một số mặt hàng có KNXK tăng như: Sắn và các sản phẩm từ sắn 52,1 triệu USD, tăng 2,7 lần; Thủy sản 130,7 triệu USD, tăng 87,5%; Hàng dệt may 223,7 triệu USD, tăng 81,7%; Gỗ 250,3 triệu USD, tăng 55,4%; Sản phẩm gỗ 377,7 triệu USD, tăng 5,2%;.... Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị phụ tùng 68,8 triệu USD, giảm 53,1%; Gạo 35,5 triệu USD, giảm 28,4%; Giày dép các loại 3,1 triệu USD, giảm 28%; Quặng và khoáng sản khác 33,5 triệu USD, giảm 9%; Sản phẩm chất dẻo 145,5 triệu USD, giảm 6,9%; …
Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) tháng 9/2022 ước đạt 40,3 triệu USD, giảm 23,8% so với cùng kỳ. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, KNNK ước đạt 356,8 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ, đạt 77,6% kế hoạch năm 2022. Một số mặt hàng có KNNK tăng so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản 85,6 triệu USD, tăng 86%; Vải các loại 39,2 triệu USD, tăng 41,4%; Thức ăn gia súc và nguyên liệu 55,4 triệu USD, tăng 22%; Nguyên phụ liệu dược phẩm 12,4 triệu USD, tăng 18%; Gỗ và các sản phẩm từ gỗ 44,5 triệu USD, tăng 5,1%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 66 triệu USD, tăng 3,9%; … Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng 26,4 triệu USD, giảm 63,3%; Phân bón các loại 8,2 triệu USD, giảm 47,3%; …
Có thể thấy rằng, qua 9 tháng năm 2022, mặc dù doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; các ngành SXKD chịu ảnh hưởng về đầu vào do thiếu hụt nguồn nguyên liệu hoặc đầu ra do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ; chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ, nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất tăng, cước vận tải biển luôn ở mức cao và tình trạng thiếu container rỗng chưa được khắc phục…; giá xăng dầu không ổn định đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là gia tăng chi phí sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp…  nhưng với sự nỗ lực của Doanh nghiệp đã góp phần tăng trưởng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và ngành CN-TM nói riêng.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động phối hợp theo dõi tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, các dự án SXCN đã và đang đầu tư, xây dựng, tổng hợp, dự báo và kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động SXKD và đầu tư, sớm đưa các dự án SXCN mới đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về CCN Xây dựng hoàn chỉnh Phương án phát triển CCN tỉnh Bình Định, làm cơ sở đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Phối hợp các huyện, thị xã, thành phố, các sở ngành có liên quan, các cơ sở công nghiệp nông thôn hoàn thành nghiệm thu đề án khuyến công năm 2022 đã được phê duyệt.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp tại địa phương thông qua  Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công tác xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia giao thương tại các tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm trọng điểm khu vực phía Bắc, Trung và Nam.
Tiếp tục triển khai công tác thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, RCEP tạo điều kiện thuận lới cho việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản và thủy sản sang các nước thành viên của các hiệp định này.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Minh Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây