Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương

Thứ năm - 14/07/2022 15:16 203 0
Sáng ngày 14 / 7 / 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Công Thương. Tham dự tại điểm cầu Bình Định (Văn phòng UBND tỉnh) do  đ/c Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ trì; đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Quản lý thị trường tỉnh; Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Trưởng phòng Phòng Kinh tế (K6), Trưởng các phòng chuyên môn và đơn vị thuộc Sở Công Thương.. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Tự Công Hoàng điều hành cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Định
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Tự Công Hoàng điều hành cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Định
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Hiệp hội: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá Bình Định, Hiệp hội Thủy sản Bình Định; Đại diện Lãnh đạo: Công ty Điện lực Bình Định, Công ty cổ phần May Bình Định.
Sau khi nghe Báo cáo sơ kết do lãnh đạo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) trình bày và các tham luận của các địa phương, các Cục, Vụ, Viện và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng chí Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và kết luận những nội dung cơ bản như sau:
Trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, có thể xảy ra suy thoái ngắn hạn, lạm phát có thể tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn, đi kèm với điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu; xung đột tại Ucraina có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm tàng rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực.
Trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức còn rất lớn, triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi chiều hướng của xung đột Nga - Ucraina và điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và tiêu dùng từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu; Giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, thiếu hụt lao động cục bộ, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm... đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của ngành.
Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; Điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%, trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương tập trung thực hiện những giải pháp sau: 
Một là, Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2022, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành. 
Các địa phương khẩn trương chỉ đạo xây dựng Chiến lược, Chương trình hành động và các Đề án phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030; Rà soát các nội dung phát triển công nghiệp và thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành. Bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại trên từng địa bàn.
Hai là, Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón…cho sản xuất và sinh hoạt. 
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Các địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Ba là, Tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả, theo đó: theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. 
- Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình UBTVQH và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
- Đối với các địa phương cần xem xét ưu tiên ngân sách, chia sẻ khó khăn với Chính phủ triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên từng địa bàn, cụ thể:
+ Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển trên thị trường nội địa
+ Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên môi trường số, TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp Việt, HTX ở địa phương ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. 
Bốn là, Đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất: Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. 
Các địa phương tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuân thủ hướng dẫn của các Bộ, ngành triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch có lộ trình khi được Chính phủ thông qua.
Năm là, Kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện hiệu quả Nghị định thay thế Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 28/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; hoàn thành việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ; Hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2021 - 2025; Đề án luân chuyển cán bộ theo tinh thần Nghị quyết TW 3, Khóa VIII và Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ.
Sáu là, Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống./.

 

Tác giả bài viết: Võ Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây