Các hãng tàu “nhập nhèm” niêm yết giá cước

Thứ tư - 14/07/2021 23:59 196 55
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành về giá cước tàu biển và phụ thu tại một số hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Các hãng tàu “nhập nhèm” niêm yết giá cước

Phụ phí xếp dỡ chiếm tỷ trọng lớn nhất

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển bằng container bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10/2020, đặc biệt là trên các tuyến đi châu Âu, Bắc Mỹ. Tháng 4/2021, giá cước từ Việt Nam đi châu Âu là 6.500 - 8.000 USD một container 40 feet và đi châu Mỹ là 6.000 - 7.000 USD một container 20 feet, tăng gấp 5 đến 7 lần cuối năm trước.

Nguyên nhân tăng giá cước là thị trường Trung Quốc phục hồi sau dịch bệnh nên một lượng lớn container rỗng hút về Trung Quốc làm cầu vượt xa cung, đẩy giá vận chuyển container tăng phi mã, tác động cả khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác kiểm tra liên ngành do Cục Hàng hải Việt Nam thành lập cho thấy, các hãng tàu đều niêm yết giá cước trên website song không thể hiện thời gian niêm yết, nên không thể biết chính xác các doanh nghiệp này có thực hiện đúng quy định là niêm yết trước 15 ngày khi thay đổi giá hay không.

Giá cước niêm yết là giá trần song hợp đồng với khách hàng không được hãng tàu công khai. Đối với chủ hàng nhỏ không có hợp đồng dài hạn thì giá cước thả nổi theo thị trường.

Ngoài tăng giá cước, mỗi hãng tàu còn áp 3-5 loại phụ phí như phí xếp dỡ tại cảng, vệ sinh container, chứng từ, kẹp chì...; trong đó, phụ phí xếp dỡ chiếm tỷ trọng lớn nhất, dao động từ 100 - 170 USD cho mỗi container và đang được cả 9 hãng tàu ngoại thu. Có loại phí không thường xuyên tùy từng hãng tàu áp dụng như phụ thu xăng dầu, thu dịch vụ với hàng xuất nhập khẩu chỉ có hãng Maersk áp dụng.

Các loại phụ phí này được hãng tàu tự đưa ra mà không có thỏa thuận với khách hàng, không nêu lý do thu và thời điểm kết thúc. Một số loại phí như khai báo trọng tải hàng hóa (VGM) có giá 30-50 USD, trong khi đó hãng tàu không mất chi phí cho dịch vụ này. Các mức phụ thu của hãng tàu không phải đăng ký kê khai với cơ quan nhà nước nên khó giám sát.

Kiến nghị giải pháp quản lý giá dịch vụ

Việt Nam đang có khoảng 40 hãng tàu ngoại hoạt động thường xuyên, đảm nhận tới 95% thị phận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đối với các tuyến đi châu Âu, Bắc Mỹ, do đội tàu Việt Nam chưa đủ lực khai thác, nên toàn bộ thị phần vận tải đang nằm trong quyền chi phối của các hãng tàu ngoại.

Tuy nhiên, đáng chú ý là cả 9 hãng tàu ngoại đều có đại diện tại Việt Nam dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thay mặt hãng tàu thực hiện hoạt động kinh doanh và làm đại lý theo hợp đồng. Doanh thu từ giá cước vận tải và các loại phụ thu theo giá được chuyển về công ty mẹ tại nước ngoài. Hãng tàu thực hiện nộp thuế nhà thầu và các loại thuế phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quyền quyết định giá cước thuộc về công ty mẹ ở nước ngoài, các công ty đại diện tại Việt Nam chỉ đóng vai trò thu hộ, chi hộ và tư vấn, không quyết định mức giá và việc tăng giảm giá cước

Đối với các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ, tỷ lệ container trực tiếp đặt chỗ từ Việt Nam với hãng tàu rất thấp (chỉ chiếm 10% đối với tuyến đi Bắc Mỹ, 20% tuyến đi châu Âu) và phần lớn được thực hiện thông qua các công ty giao nhận, đại lý, logistics. Việc ký hợp đồng vận tải và trả cước vận tải thường do đối tác nước ngoài (người mua hoặc người bán) đảm nhận. Chỉ có một số ít chủ hàng lớn tại Việt Nam ký hợp đồng trực tiếp với các hãng nước ngoài do có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ổn định.

Cũng theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Bắc Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài. Các chính sách giá cước, các loại phụ thu cũng do hãng tàu quyết định. Các chủ hàng Việt Nam quy mô nhỏ, nhu cầu theo thời vụ, nên không có kế hoạch ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, dẫn đến gặp nhiều rủi ro khi thị trường vận tải biến động.

Trước tình trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá cước của hãng tàu đối với chủ hàng tại cảng Việt Nam cho phù hợp với thực tế.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung các quy định, như hãng tàu nước ngoài phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng tại Việt Nam để tránh việc hãng tàu tự ý bỏ, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bổ sung tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, niêm yết giá.

                                                                               (Theo Báo Hải quan)

Tác giả bài viết: cuongnm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây