Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020, phướng hướng nhiệm vụ năm 2021

Chủ nhật - 31/01/2021 23:59 182 71
Năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, với sự nổ lực không ngừng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, sự phối hợp hỗ trợ của các Sở ngành liên quan và địa phương và sự đồng hành của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định.

Trên tinh thần Quyết định số 634/QĐ-TTgngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 18/12/2015 của UBND tỉnh triển khai thực hiện các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, trong năm 2020,các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc mua sắm công, ưu tiên mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ được sản xuất trong nước, trừ các sản phẩm, dịch vụ trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc mua sắm nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước; đồng thời, tổ chức tốt lượng hàng hoá tiêu dùng do Việt Nam sản xuất với chất lượng tốt, phân phối rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn đã góp phần đưa hàng Việt có mặt rộng khắp trên địa bàn của tỉnh. Ngoài ra, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết các nội dung có liên quan về thủ tục môi trường đầu tư kinh doanh, về vốn, cung cấp điện phục vụ sản xuất,...; đưa ramột số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình dịch Covid-19,qua đó đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, công tác hỗ trợ phát triển thị trường luôn được quan tâm chú trọng, các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức và tham gia thường xuyên nhằm tạo cầu nối cho các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Cùng với đó, công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở (doanh nghiệp) sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chú trọng, nhất là khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất trong làng nghề đổi mới thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Các doanh nghiệp ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và không ngừng mở rộng các kênh phân phối nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng; sản phẩm, hàng hóa đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng và không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường, nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại kích thích sức mua của người tiêu dùng, từ đó từng bước thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa của người tiêu dùngkhi lựa chọn hàng Việt.

Kết quả qua một năm triển khai, đã hỗ trợ trên 200 lượt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia mở rộng thị trường, thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng thông qua các hoạt động như tham gia các kỳ Hội chợ, Hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi như Hội chợ Triển lãm - Tôn Vinh Hàng Việt tại TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2020, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2020 tại Hà Nội; Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh tại Bình Định; Hội nghị kết nối cung cầu 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020 tại Quảng Bình; Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh; Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2020; Hội nghị Kết nối cung cầu - Đà Nẵng 2020;,.. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng, giá thành phù hợp,..nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, bên cạnh đó các doanh nghiệp có cơ hội thương thảo, ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị lớn. 

 

 

Hỗ trợ tổ chức 03 kỳ hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh,với trên trên 310 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút trên 140 nghìn lượt người đến tham quan mua sắm, doanh thu mang lại gần 22,2 tỷ đồng; tổ chức 02 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi tại thị xã Hoài Nhơn và huyện An Lão; tổ chức triển khai 02 Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện, thị xã, thành phố gồm Hoài Nhơn và Quy Nhơn.

Công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn được thực hiện thường xuyên, trong năm đãphối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại thuộc Bộ Công Thương tổ chức 05 lớp tập huấn an toàn thực phẩm ngành Công Thương; phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức 03 lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, cho thấy Cuộc vận động ngày càng làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh luôn quan tâm về chất lượng mẫu mã sản phẩm, đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phát triển; Cuộc vận động góp phần kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng (kích cung và kích cầu) từng bước giúp cho hàng Việt Nam được khơi thông dòng chảy về khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời còn tạo sức lan tỏa nhanh đến nhiều địa phương trong tỉnh phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Qua đó, khẳng định công tác tuyên truyền, vận động đã làm chuyển biến nhận thức người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai như:công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động ở các cấp các ngành, địa phương thiếu tính đồng bộ và liên tục, làm ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của việc triển khai; nội dung thông tin tuyên truyền chưa thật sự phong phú, đa dạng; nội dung các hoạt động như hội chợ triển lãm thương mại, phiên chợ hàng Việt về nông thôn miền núi, tháng bán hàng khuyến mại,.. lặp đi lặp lại nhiều lần, ít có sự đổi mới dẫn đến hiệu quả đem lại chưa cao; chưa thu hút mạnh mẽ sự quan tâm tham gia của các tầng lớp nhân dân;tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu thông bất hợp pháp trên thị trường vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam.

Kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2021, gồm:

Một là, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến và ứng dụng công nghệ và tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hai là, tăng cường tổ chức các hoạt động hội chợ triển lãm thương mại; phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; hội nghị giao thương kết nối cung cầu; các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo với các chủ đề hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng quản lý điều hành, kinh nghiệm sản xuất, xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền; vận động cán bộ, công chức, viên chức tăng cường viết tin, bài về các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ; thông tin thị trường hàng hóa; kiểm tra kiểm soát thị trường,…đăng trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Bốn là, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trọng điểm cấp vùng, cấp quốc gia; các hội nghị giao thương kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm là, tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử phạt các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lưu thông bất hợp pháp trên thị trường,..

Nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 cần có một số giải pháp sau:

Một là, Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021- 2025, để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian đến; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ điều chỉnh định mức hỗ trợ các nội dung thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sao cho phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện hiệu quả hơn.

Hai là, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  tỉnh, tiếp tục tăng cường thực hiện Cuộc vận động một cách đồng bộ theo tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 12/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 1403/UBND-KTN ngày 22/4/2013 của UBND tỉnh về việc triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Ba là, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động; các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, lồng ghép các hoạt động của cơ quan, đơn vị địa phương mình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách hiệu quả, thiết thực.

Tác giả bài viết: haodd

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây